Phát triển hệ thống tưới Bắc sông Chu - Nam sông Mã: Thiết kế hợp lý, đấu thầu cạnh tranh làm tăng tính kinh tế của Dự án
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:25, 05/11/2018
(BKTO) - Thực hiện kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Phát triển hệ thống tưới Bắc sông Chu - Nam sông Mã (Dự án) vào thời điểm còn một năm nữa Dự án dự kiến sẽ hoàn thành (tháng 6/2017), KTNN đã ghi nhận những nỗ lực của chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án và các đơn vị có liên quan trong triển khai đầu tư, xây dựng và quản lý, điều hành thực hiện Dự án, nhưng cũng chỉ ra một số thiếu sót, bất cập cần khắc phục.
Tiết kiệm chi phí đầu tưnhờ tuân thủ các quy định pháp luật
Dự án Phát triển hệ thống tưới Bắc sông Chu - Nam sông Mã thuộc Dự án Hồ chứa nước Cửa Đạt, tỉnh Thanh Hóa, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phê duyệt tại Quyết định số 2542/QĐ-BNN-XD ngày 26/10/2011. Việc đầu tư Dự án nhằm nhận nước từ Hồ chứa nước Cửa Đạt thông qua kênh chính để tưới cho khoảng 28.326 ha, trong đó, tưới trực tiếp cho khoảng 17.172 ha khu tưới Bắc sông Chu - Nam sông Mã; tiếp nước vào hệ thống kênh của trạm bơm Nam sông Mã (huyện Yên Định) và Cầu Nha (huyện Thọ Xuân) để tưới thay thế các trạm bơm này (khoảng 11.154 ha); tạo nguồn nước sinh hoạt, chăn nuôi, công nghiệp nông thôn vùng dự án; góp phần cải thiện giao thông nông thôn, môi trường sinh thái và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; cải thiện quản lý thủy lợi, cung cấp và sử dụng các dịch vụ thủy lợi, hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn.
Quy mô đầu tư Dự án gồm kênh chính Bắc, kênh chính Nam và các kênh nhánh, với tổng mức đầu tư được duyệt lần đầu là 2.998,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 2.304,8 tỷ đồng, vốn ngân sách T.Ư là 588,9 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 104,7 tỷ đồng. Theo KTNN, tổng mức đầu tư Dự án được điều chỉnh 4 lần nhưng chỉ điều chỉnh về cơ cấu. Cơ cấu tổng mức đầu tư Dự án đảm bảo phù hợp với cơ cấu nguồn vốn, đảm bảo tính khả thi của Dự án đã phê duyệt và không làm tăng tổng mức đầu tư.
Kết quả kiểm toán chỉ rõ, công tác thiết kế tính toán lựa chọn phương án tuyến kênh hợp lý, lợi dụng địa hình để hạn chế xử lý bằng các biện pháp thi công công trình có suất đầu tư lớn như: cầu máng xi-phông; hạ thấp cao trình đắp đất bờ kênh để giảm khối lượng đất đắp, giảm chi phí đền bù, tiết kiệm chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, thiết kế, dự toán lựa chọn vật tư, vật liệu hợp lý, áp dụng phù hợp các chế độ, chính sách trong tính toán chi phí xây lắp, đảm bảo tính kinh tế.
Các gói thầu xây lắp của Dự án đều áp dụng hình thức đấu thầu quốc tế, đấu thầu rộng rãi và được tổ chức chặt chẽ, tuân thủ trình tự, thủ tục. Nhờ đó, chi phí đầu tư thông qua đấu thầu giảm 254,4 tỷ đồng, trong đó, các gói thầu đấu thầu rộng rãi quốc tế có tính cạnh tranh cao trung bình giảm 20,1% so với dự toán gói thầu, các gói đấu thầu rộng rãi trong nước giảm 2,14% so với dự toán gói thầu.
Công tác quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư Dự án đảm bảo quy định; giải ngân phù hợp với hợp đồng, tiến độ thực hiện Dự án… Quá trình triển khai, thực hiện Dự án tuân thủ quy hoạch được duyệt, có sự kết hợp giữa quy hoạch thủy lợi, quy hoạch cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Kiểm điểm, rút kinh nghiệm về một số hạn chế, thiếu sót
Qua kiểm toán, KTNN cũng chỉ rõ một số bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai Dự án. Đơn cử, trong công tác đàm phán vay vốn với nhà tài trợ ADB, Bộ NN&PTNT chưa có phương án để đàm phán, cắt giảm chi phí hỗ trợ vận hành, hỗ trợ đào tạo nâng cao dân trí, tham quan và các chi phí khác dẫn đến việc vay vốn không tập trung cho những hạng mục xây lắp nhanh phát huy hiệu quả. Trong tổng mức đầu tư của Dự án là 2.998,5 tỷ đồng, chi phí cho hạng mục xây lắp trong tổng mức đầu tư của phần dự án vốn vay ADB chiếm tỷ lệ thấp (56,7%) so với phần dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ (chi phí cho hạng mục xây lắp chiếm 80,7% tổng mức đầu tư). Cụ thể, cơ cấu chi phí hợp phần chính là cải thiện hạ tầng cơ sở thủy lợi chỉ chiếm 56,7%, còn lại chi phí giải phóng mặt bằng chiếm 21,2%, các khoản chi phí cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ thực hiện Dự án và phí ngân hàng chiếm 11,5%, dự phòng 10,6%.
Công tác khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế ban đầu chưa phù hợp với thực tế, quá trình thực hiện phải điều chỉnh, bổ sung làm kéo dài thời gian thi công và phát sinh tăng giá trị dự toán gói thầu hoặc phải cắt bỏ. Việc chiết tính khối lượng có sai sót do lỗi số học làm tăng giá trị các gói thầu 11,1 tỷ đồng, tuy nhiên, sai sót này không làm ảnh hưởng đến kết quả đấu thầu.
Về tiến độ thực hiện Dự án, đánh giá chung cho thấy, các gói thầu được thi công, hoàn thành, nghiệm thu theo đúng tiến độ hợp đồng, đúng tiến độ được gia hạn điều chỉnh, phối hợp tốt với tiến độ các hạng mục khác trong tổng thể tiến độ chung của Dự án. Tuy nhiên, một số lô trong một số gói thầu phải phê duyệt kéo dài thời gian từ 2 đến 10 tháng so với tiến độ hợp đồng ban đầu, chủ yếu do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm, không bàn giao được mặt bằng cho các đơn vị thi công theo tiến độ hợp đồng; phải điều chỉnh, bổ sung, thay đổi thiết kế, biện pháp thi công. Khối lượng nghiệm thu còn sai sót với giá trị phải giảm trừ hơn 3,1 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, chi phí đào tạo cho cán bộ tham gia thực hiện Dự án được tạm tính trong tổng mức đầu tư được duyệt là hơn 9,8 tỷ đồng. Đến thời điểm 30/6/2016, giá trị thực hiện là gần 2,5 tỷ đồng, phần giá trị đào tạo, hội thảo trong tổng mức đầu tư còn lại gần 7,4 tỷ đồng chưa có nội dung dự toán được duyệt và chủ yếu do tổng mức đầu tư lập cao hơn so với nhu cầu và đơn giá thực tế.
Theo KTNN, việc sử dụng tiếp chi phí cho nội dung này là không cần thiết khi Dự án đang thực hiện ở giai đoạn cuối. Vì vậy, KTNN kiến nghị Bộ NN&PTNT rà soát, cắt giảm các khoản chi phí đào tạo, tập huấn, tham quan và số cán bộ không trực tiếp tham gia Dự án đi tập huấn, tham quan nước ngoài không cần thiết để giảm chi phí đầu tư. Đồng thời, rút kinh nghiệm trong công tác đàm phán với các nhà tài trợ về vốn vay ưu đãi để đầu tư cho các dự án tiếp theo, trong đó chú trọng vay vốn để đầu tư cho các hạng mục cơ sở hạ tầng chính, cắt giảm các chi phí đào tạo, tham quan và chi phí khác.
KTNN cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị, bộ phận liên quan kiểm điểm, rút kinh nghiệm về những thiếu sót trong lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ khảo sát, thiết kế, dự toán; công tác nghiệm thu, thanh toán và chậm tiến độ tại các gói thầu; đôn đốc Ban Quản lý Dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án, hoàn thành công trình, hoàn tất thủ tục bàn giao đưa vào sử dụng để phát huy hết hiệu quả đầu tư Dự án.
Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 44 ra ngày 01-11-2018