Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng thực tế

Pháp luật - Ngày đăng : 22:30, 22/04/2024

(BKTO) - Tại Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Chính phủ đề xuất quy định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế.

Chiều 22/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.

202404221617582919_dsc_5625.jpg
Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Trình bày Tờ trình Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, sau 13 năm thi hành Luật Khoáng sản năm 2010, hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản cơ bản đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản. Nhiều chính sách quan trọng vẫn còn nguyên giá trị và được tiếp tục kế thừa.

Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, việc thu tiền cấp quyền khai thác theo trữ lượng khoáng sản còn gặp nhiều bất cập như: Tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản được phê duyệt chưa đảm bảo tính chính xác; thu tiền cấp quyền khai thác trước khi tiến hành khai thác không tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ bản mỏ; trường hợp khai thác không đủ trữ lượng được cấp phép hiện chưa có quy định việc hoàn trả tiền cấp quyền.

Để khắc phục bất cập trên, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, một trong những nội dung mới đáng chú ý tại Dự thảo Luật là tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở trữ lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế.

202404221655034947_dsc_5754.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh  trình bày Tờ trình Dự án Luật. Ảnh: VPQH

Thẩm tra Dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, vấn đề này có 02 loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng quy định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản và được thu theo năm, quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế như quan điểm của Chính phủ tại Dự thảo Luật là phù hợp vì tiền cấp quyền nộp theo năm sẽ giúp doanh nghiệp không mất khoản chi phí lớn tại thời điểm bắt đầu triển khai dự án.

Đồng thời, việc quyết toán tiền cấp quyền theo sản lượng thực tế sẽ giải quyết vấn đề chênh lệch giữa trữ lượng thăm dò với sản lượng thực tế. Nếu tính tiền cấp quyền chỉ căn cứ trên cơ sở sản lượng thực tế thì có thể trùng lặp với thuế tài nguyên.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế, vì việc tính tiền theo trữ lượng khoáng sản không bảo đảm độ chính xác, có thể rủi ro cho tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, có trường hợp doanh nghiệp được cấp giấy phép, đã nộp tiền cấp quyền khai thác theo trữ lượng nhưng chưa thể khai thác do vướng mắc về giải phóng mặt bằng; doanh nghiệp gặp khó khăn khi rất cần kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản mỏ nhưng phải nộp tiền cấp quyền lớn theo trữ lượng khi chưa phát sinh doanh thu.

“Đa số Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với loại ý kiến thứ nhất và đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định căn cứ tính tiền cấp quyền khai thác đối với tài nguyên mới hoặc khoáng sản đa kim chưa có quy định về giá tính thuế tài nguyên; quy định rõ việc quyết toán theo năm hay cuối chu kỳ khai thác mỏ” - ông Lê Quang Huy cho biết.

Trên cơ sở các ý kiến tại Phiên họp, kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; hoàn thiện cơ chế quản lý theo nguyên tắc thị trường; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn thu cho ngân sách...

Đồng thời, đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát phạm vi Dự án Luật để đáp ứng quan điểm, mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật; bổ sung đầy đủ hồ sơ Dự án Luật, đánh giá tác động đầy đủ đối với các chính sách mới, hoàn thiện báo cáo tổng kết thi hành; bổ sung các nội dung mà cơ quan thẩm tra đề nghị giải trình, làm rõ, nghiên cứu tiếp thu... 

Đ. KHOA