Tiềm năng lớn của thị trường bán lẻ Việt Nam

Đầu tư - Ngày đăng : 09:05, 05/11/2018

(BKTO) - Căn cứ vào 3 tiêu chí chính (Năng lực tài chính; Uy tín truyền thông; Khảo sát người tiêu dùng, DN), Vietnam Report vừa công bố Bảng xếp hạng Top 10 DN ngành bán lẻ uy tín năm 2018 theo 2 danh sách. Top 10 DN uy tín nhóm hàng tiêu dùng nhanh, siêu thị gồm: Vin Commerce, Big C, Saigon Coop, Aeon, Sasco, Lotte, Satra, Hapro, Lan Chi, Nasco. Còn Top 10 DN uy tín nhóm hàng lâu bền, điện máy, điện lạnh, vàng bạc có các tên tuổi: Thế giới di động, PNJ, FPT Retail, Doji, Media Mart, Chợ Lớn, HC, Fahasa, Pico.


Xu hướng bùng nổ về quy môvà chất lượng

Theo ghi nhận của Ban Tổ chức khi khảo sát các chuyên gia, DN và người tiêu dùng, cũng như nghiên cứu về uy tín truyền thông của DN, ngành bán lẻ Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới.

Việt Nam đang là một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất ở châu Á do tăng trưởng kinh tế và chi tiêu tiêu dùng gia tăng. Tốc độ tăng trưởng thị trường bán lẻ của Việt Nam duy trì ở mức rất cao, khoảng 10%/năm, giá trị thị trường bán lẻ đạt khoảng 120 tỷ USD vào năm 2017 và ước đạt khoảng 160 tỷ USD vào năm 2020. Cùng với sự gia tăng về quy mô, độ phức tạp của thị trường và chất lượng của các nhà cung cấp trên thị trường bán lẻ Việt Nam cũng sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới bởi sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt và sự hội nhập quốc tế ngày càng cao, đặc biệt sau khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại EU - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực.
Kết quả khảo sát cho thấy, Vin Commerce với hệ thống VinMart, VinMart+ và Thế giới di động gắn liền với thương hiệu Điện máy xanh là hai DN có điểm số uy tín hàng đầu. Trong đó, Vin Commerce được đánh giá cao về sự đa dạng và chất lượng của sản phẩm, còn Thế giới di động được đánh giá cao về sức mạnh tài chính và thương hiệu.

Hiện nay, bên cạnh kênh mua sắm hiện đại tại các siêu thị/chuỗi siêu thị quy mô lớn hay tại các chợ truyền thống, người tiêu dùng Việt Nam cũng đã dịch chuyển mạnh sang mua sắm tại các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi gần nhà hay gần nơi làm việc, tiện đi lại. Theo khảo sát các yếu tố quyết định địa điểm mua sắm của người tiêu dùng (không tính các chợ truyền thống), 87,3% người tiêu dùng chọn mua sắm tại các địa điểm gần nhà, nơi làm việc, tiện đi lại; 81,5% người tiêu dùng lựa chọn nơi có hàng hóa đa dạng, nhiều chủng loại; 77,8% người tiêu dùng thích nơi bán hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng; 75,1% người tiêu dùng thích nơi có giá cả hàng hóa phải chăng; 71,4% người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến dịch vụ chăm sóc khách hàng, chương trình khuyến mại tốt.

Nhìn nhận ra xu thế này, thời gian qua, nhiều DN đã nhanh chóng đầu tư phát triển mô hình siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi. Số lượng các siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi tăng rất nhanh, làm phong phú thêm và cũng làm “nóng” thêm thị trường bán lẻ Việt Nam.

Bán lẻ truyền thốngvẫn hấp dẫn người tiêu dùng

Tuy nhiên, hiện nay, hơn 90% hộ gia đình Việt Nam vẫn có thói quen sử dụng xe máy là phương tiện đi lại chính, do đó, rất khó để thuyết phục họ dừng lại và tìm kiếm một chỗ đỗ xe để vào siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi mua sắm, thay vì chỉ cần tạm đỗ ở bất cứ khu chợ truyền thống nào để mua mọi thứ họ cần. Hơn nữa, giá cả vẫn là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam, do vậy, hiệu quả kinh doanh mô hình siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi vẫn đang là một bài toán khó của các DN bán lẻ.

Hơn nữa, hoạt động mua sắm qua kênh bán lẻ hiện đại tuy đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt tại các thành phố lớn như TP. HCM và Hà Nội, nhưng kênh bán lẻ truyền thống vẫn giữ vai trò chủ đạo trong ngành bán lẻ Việt Nam. Năm 2015, doanh thu bán lẻ của các kênh truyền thống như hệ thống siêu thị/cửa hàng chính hãng chiếm tới 92% tổng doanh thu của thị trường bán lẻ. Năm 2017, tỷ lệ này đã được cải thiện với 68% doanh thu thuộc về các kênh bán lẻ truyền thống và 32% doanh thu thuộc về các kênh bán lẻ hiện đại. Tỷ lệ này dự kiến tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ vào năm 2020 khi doanh thu của các kênh bán lẻ truyền thống giảm xuống còn 55% và doanh thu của các kênh bán lẻ hiện đại tăng lên 45%.

Cùng với sự phát triển của các nền tảng thương mại điện tử và truyền thông xã hội, bán hàng trực tuyến đang trở thành một xu thế tất yếu tại Việt Nam. Có khoảng 20 triệu người Việt Nam đã ứng dụng mua sắm trực tuyến và 49% trong số đó có thói quen mua sản phẩm qua điện thoại/smartphone ít nhất hằng tháng, việc thanh toán điện tử cũng ngày càng trở nên dễ dàng và phổ biến hơn. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát, doanh thu bán hàng trực tuyến của các DN bán lẻ mới chỉ đạt khoảng 6%, còn 92% doanh thu vẫn là bán trực tiếp tại hệ thống siêu thị/cửa hàng.

Chia sẻ về những vấn đề khi mua sắm trực tuyến, đa số người tiêu dùng tham gia khảo sát cho biết, họ e ngại về: chất lượng (91,5% người tiêu dùng lựa chọn); nguồn gốc xuất xứ hàng hóa (84,7% người tiêu dùng lựa chọn); dịch vụ đổi/trả hàng (72,5% người tiêu dùng lựa chọn)... Do đó, thay vì mua sắm trực tuyến, đa số người tiêu dùng Việt Nam vẫn lựa chọn phương án tốn thời gian và công sức hơn là mua sắm trực tiếp tại siêu thị/cửa hàng.

QUỲNH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 44 ra ngày 01-11-2018