Gỡ rào cản chính sách để “hút” người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Xã hội - Ngày đăng : 14:05, 24/04/2024

(BKTO) - Điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu còn dài, mức hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước chưa tạo được cú huých thúc đẩy… là những rào cản khiến người lao động không “mặn mà” với bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện; cũng là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ “lọt lưới an sinh” ở một bộ phân không nhỏ người lao động.
938967e54e3ce062b92d.jpg
Cần có những chính sách đồng bộ, hấp dẫn hơn để thu hút người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: HÒA PHẠM

Người lao động chưa “mặn mà” với bảo hiểm xã hội tự nguyện

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, đến cuối năm 2023, cả nước có hơn 18,26 triệu người tham gia BHXH, đạt 39,25%, trong đó có hơn 1,83 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 3,92% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Mặc dù đã vượt 1,42% mục tiêu đề ra đến năm 2025 tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, nhưng sau 15 năm thực hiện Luật BHXH (thực hiện chính sách BHXH tự nguyện từ 01/01/2008), số người tham gia BHXH tự nguyện còn rất khiêm tốn. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh tuổi già của một bộ phận lớn dân cư sau này.

Chia sẻ tại Toạ đàm “Giảm thiểu nguy cơ lọt lưới an sinh” do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp tổ chức ngày 23/4, ông Đỗ Ngọc Thọ - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH) Việt Nam chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến người lao động khu vực chưa chính thức chưa “mặn mà” tham gia BHXH tự nguyện.

Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là do thu nhập của người lao động khu vực phi chính thức bấp bênh, không ổn định. Người dân thường chú trọng quan tâm những nhu cầu trước mắt, mưu sinh hàng ngày mà chưa chú trọng an sinh bền vững sau này, do đó ít tìm hiểu chính sách BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, vẫn còn tâm lý ăn sâu vào tiềm thức là “Trẻ cậy cha, già cậy con” nên chưa hình thành được văn hoá tự đảm bảo an sinh xã hội thông qua đóng góp, tích luỹ khi trẻ để thụ hưởng lương hưu, bảo hiểm khi về già.

Ông Thọ cũng thẳng thắn chỉ ra, mức hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước hiện nay chưa tạo được cú huých để thúc đẩy người dân tham gia BHXH tự nguyện. Trong khi đó, điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu còn dài làm giảm tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, khiến một bộ phận người dân nản lòng. Mặt khác, việc bổ sung các chế độ BHXH ngoài chế độ hưu trí, tử tuất đòi hỏi phải có sự hỗ trợ lớn từ ngân sách nhà nước, nhưng trong điều kiện hiện nay là khó khăn do khả năng cân đối của ngân sách.

Theo Báo cáo nghiên cứu Quyền an sinh xã hội của lao động nữ di cư ở Việt Nam được thực hiện vào tháng 11/2018 cho thấy, có 97,9% lao động phi chính thức ở Việt Nam không có BHXH. Đến năm 2023, lao động phi chính thức ở Việt Nam không có BHXH vẫn chiếm tới 98%. Đáng chú ý, trong tổng số gần 18 triệu lao động phi chính thức nhưng chỉ có 0,2% được đóng BHXH bắt buộc, 1,9% đóng BHXH tự nguyện.

Bên cạnh đó, các thông tin sai lệch về chính sách, chế độ BHXH lan truyền trên các trang mạng xã hội cũng là nguyên nhân gây dao động trong việc tạo động lực tham gia BHXH tự nguyện của một bộ phận người dân.

Đồng tình với phân tích trên, bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông, BHXH TP. Hà Nội cho biết, một phần nguyên nhân gây khó khăn trong triển khai phát triển BHXH tự nguyện là do chưa tính được cụ thể nếu đóng BHXH tự nguyện đủ 20 năm thì lương hưu nhận được bao nhiêu?

“Trong quá trình tiếp xúc trực tiếp với người dân thì họ thường có câu hỏi mà chúng ta không bao giờ trả lời được là: 20 năm nữa được tôi hưởng như thế nào? Bởi chúng ta mới chỉ tính được mức dự kiến vì có điều chỉnh giá tiêu dùng hàng năm cho mức đóng BHXH” - bà Châu chia sẻ.

Tăng tính hấp dẫn chính sách, tạo cơ hội để lao động để tham gia BHXH tự nguyện

Việc số lượng lớn người lao động làm việc ở khu vực phi chính thức - lực lượng đang giữ vị trí, vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế - chưa tham gia BHXH tự nguyện, đòi hỏi cần có những chính sách, biện pháp phù hợp, hiệu quả để bảo đảm lưới an sinh cho người lao động.

Theo các chuyên gia, một trong những giải pháp có tính chất chiến lược và tổng thể, quan trọng nhất là phát triển mạnh nền kinh tế thị trường để phát triển mạnh khu vực chính thức, giảm mạnh khu vực phi chính thức để lao động khu vực này chuyển sang khu vực chính thức và có quan hệ lao động để đảm bảo an sinh xã hội, BHXH cho người lao động.

TS. Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, cần tăng chế độ của BHXH tự nguyện.

Theo đó, tại Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất thêm chế độ trợ cấp thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện mức 2.000.000 đồng từ ngân sách nhà nước, bên cạnh chế độ lương hưu, tử tuất. Theo ông Dũng, chế độ này rất tốt đối với những người lao động trong độ tuổi sinh sản nhưng cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu mở rộng chế độ khác, có sự hỗ trợ của Nhà nước, kết hợp với sự đóng góp của người lao động khu vực phi chính thức; cũng là cách để tăng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, cần phải nghiên cứu và ban hành các chế độ BHXH ngắn hạn như: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đối với nhóm người lao động phi chính thức để làm tăng tính hấp dẫn của chính sách và đảm bảo công bằng trong việc đóng góp và hưởng thụ các quyền lợi BHXH.

GS.TS Giang Thanh Long - Giảng viên cao cấp, Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Qua khảo sát với lao động khu vực phi chính thức thấy, ngoài chế độ lâu dài là hưu trí, tử tuất thì người lao động rất mong muốn được hưởng các chế độ sát sườn: bệnh nghề nghiệp, ốm đau, thai sản… Vì vậy, gói BHXH ngắn hạn dần dần phải mở ra”.

Ông Giang Thanh Long cũng cho rằng, việc đào tạo kỹ năng, nâng cao tay nghề để người lao động tham gia thị trường lao động bền vững; khuyến khích chủ sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động với người lao động… là một trong những động lực rất quan trọng, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện

TS. Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, để mang lại lợi ích tối đa cho người lao động khu vực phi chính thức thì cần có chính sách đồng bộ, toàn diện hơn như: thúc đẩy chính sách xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm bền vững cho người lao động, hỗ trợ người lao động vay vốn phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế gia đình… Có như vậy,  người lao động mới có cơ hội để tham gia BHXH tự nguyện.

“Nhà nước nên có chính sách và chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ cho hệ thống doanh nghiệp triển khai chương trình tư vấn quản lý tài chính cá nhân trong suốt cuộc đời, để những người trẻ và tất cả mọi người biết cách quản lý và sử dụng đồng tiền hợp lý, tham gia BHXH từ sớm để sau này có lương hưu, đảm bảo an sinh xã hội” - bà Phạm Thị Thu Lan khuyến nghị.

Đ. KHOA