Đưa dịch vụ thanh toán đến vùng sâu, vùng xa

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 14:08, 24/04/2024

(BKTO) - Việc xây dựng Dự thảo Thông tư quy định hoạt động đại lý thanh toán nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho các dịch vụ thanh toán đến được những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
hoat-dong-thanh-toan.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư quy định hoạt động đại lý thanh toán.

Dừng triển khai 3 mô hình thanh toán do thiếu hành lang pháp lý

Theo NHNN, để tạo nguồn lực, xã hội hóa hoạt động thanh toán, thời gian qua (từ năm 2014 đến cuối năm 2023), NHNN đã cho phép thực hiện thí điểm 3 mô hình dịch vụ thanh toán của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Công ty cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Ngân hàng Thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) và Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Trong đó, các tổ chức không phải là ngân hàng (gồm Viettel, M_Service, Petrolimex) đóng vai trò là đối tác, là “cánh tay nối dài” của ngân hàng, dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông và tận dụng hệ thống mạng lưới sẵn có của mình để đưa dịch vụ thanh toán đến những địa bàn, những đối tượng người dân mà ngân hàng không thuận lợi trong việc tiếp cận và cung ứng dịch vụ.

Việc triển khai các mô hình thí điểm này góp phần thúc đẩy dịch vụ thanh toán ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng như góp phần phổ cập tài chính (Financial Inclusion) nói chung.

Tuy nhiên, các mô hình này được triển dưới hình thức thí điểm. Đến cuối năm 2023, các mô hình này đã dừng triển khai do chưa có hành lang pháp lý. Do vậy, cần hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động này nhằm thúc đẩy dịch vụ thanh toán ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và góp phần phổ cập tài chính.

Việc xây Dự thảo Thông tư đảm bảo phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển của hoạt động giao đại lý trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam trong thời gian tới.

Đồng thời, NHNN đã vận dụng các kinh nghiệm quốc tế về giao đại lý thanh toán phù hợp với nền tảng pháp lý và thực tiễn tại Việt Nam, phù hợp với xu hướng phát triển lĩnh vực thanh toán trên thế giới, cũng như phát triển mạnh của công nghệ thông tin và viễn thông hiện nay.

Hạn mức giao dịch với mỗi cá nhân tối đa là 20 triệu đồng/ngày

Theo Dự thảo, bên giao đại lý được giao cho bên đại lý nhận hồ sơ mở tài khoản thanh toán, kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng để gửi cho bên giao đại lý và hướng dẫn khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán; nhận hồ sơ phát hành thẻ ngân hàng, kiểm tra, xác minh thông tin khách hàng để gửi cho bên giao đại lý và hướng dẫn khách hàng sử dụng thẻ ngân hàng.

Bên giao đại lý cũng được giao cho bên đại lý tiếp nhận yêu cầu cung cấp dịch vụ của khách hàng, lập, ký, kiểm soát, xử lý chứng từ giao dịch của khách hàng, chuyển thông tin giao dịch của khách hàng cho bên giao đại lý, nhận tiền mặt từ khách hàng hoặc trả tiền mặt cho khách hàng nhằm thực hiện các giao dịch: Nộp/rút tiền mặt vào/từ tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại bên giao đại lý; nộp tiền mặt vào thẻ trả trước định danh của khách hàng do bên giao đại lý phát hành; nộp tiền mặt để thanh toán dư nợ thẻ tín dụng của khách hàng do bên giao đại lý phát hành; thực hiện dịch vụ thanh toán lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, chuyển tiền, thu hộ, chi hộ.

Trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được yêu cầu thanh toán của khách hàng, bên đại lý xử lý chứng từ giao dịch của khách hàng và thực hiện chuyển thông tin giao dịch của khách hàng cho bên giao đại lý trừ trường hợp xảy ra sự cố hệ thống thông tin.

Về hạn mức giao dịch, Dự thảo nêu rõ bên giao đại lý phải có các biện pháp quản lý số dư, hạn mức giao dịch của bên đại lý là tổ chức khác, gồm hạn mức giao dịch (bao gồm giao dịch nộp và rút tiền mặt) đối với khách hàng cá nhân, tối đa là 20 triệu đồng/khách hàng/ngày.

Bên đại lý chỉ được thực hiện giao dịch cho khách hàng trong phạm vi số dư tài khoản thanh toán để thực hiện các nghiệp vụ được giao đại lý của bên đại lý mở tại bên giao đại lý theo quy định và mỗi một điểm đại lý thanh toán được giao dịch không quá 200 triệu đồng/ngày và tối đa 5 tỷ đồng/tháng.

Hạn mức giao dịch của bên đại lý là ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô theo thỏa thuận giữa bên giao đại lý và bên đại lý.

Về hoạt động của bên giao đại lý và bên đại lý, theo Dự thảo, việc thực hiện hoạt động giao đại lý, làm đại lý của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô phải phù hợp với nội dung ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép thành lập hoặc Quyết định quy định về tổ chức và hoạt động của cấp có thẩm quyền quyết định và văn bản sửa đổi, bổ sung Giấy phép, Quyết định (nếu có).

Dự thảo cũng nêu rõ, việc thực hiện hoạt động giao đại lý, làm đại lý của ngân hàng chính sách phải phù hợp với quy định của Chính phủ. Quỹ tín dụng nhân dân được làm đại lý cho ngân hàng hợp tác xã đối với thành viên, khách hàng của quỹ tín dụng nhân dân đó; tổ chức tài chính vi mô được làm đại lý cho ngân hàng đối với khách hàng của tổ chức tài chính vi mô đó. Tổ chức khác là doanh nghiệp thành lập hợp pháp và không có dư nợ bị tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phân loại vào nhóm nợ xấu theo quy định của NHNN được làm đại lý theo thỏa thuận với bên giao đại lý. Tổ chức khác chỉ được làm đại lý cho 1 bên giao đại lý.

Ngoài ra, Dự thảo cũng nêu rõ các nguyên tắc thực hiện hoạt động đại lý thanh toán; các nội dung quy định trong hợp đồng hoạt động giao đại lý thanh toán; quyền và nghĩa vụ của cả bên giao đại lý và bên đại lý và trách nhiệm báo cáo, tổ chức thực hiện của các bên liên quan./.

THÀNH ĐỨC