Làm rõ vướng mắc, rào cản trong quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội

Pháp luật - Ngày đăng : 22:14, 24/04/2024

(BKTO) - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu, trong quá trình giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, cần tham khảo, khai thác tối đa kết quả giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chuyên đề, chuyên ngành của các cơ quan chuyên môn có liên quan…

Chiều 24/4, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023” - đã chủ trì Phiên họp thứ 2 của Đoàn giám sát.

phien-hop-2.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Tại Phiên họp, các thành viên Đoàn giám sát tập trung thảo luận, cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp sơ bộ; báo cáo của các đối tượng giám sát, báo cáo của các cơ quan liên quan, báo cáo kết quả giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh, thành phố; những vấn đề quan tâm trước khi làm việc với các Bộ, ngành, địa phương; cho ý kiến, thống nhất các công việc cần triển khai tiếp theo của Đoàn giám sát trong thời gian tới.

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, việc Quốc hội quyết định lựa chọn chuyên đề này để thực hiện giám sát tối cao có ý nghĩa cả về lý luận, pháp lý, thực tiễn, đòi hỏi sự nỗ lực, tích cực, chủ động không ngừng của Đoàn giám sát và từng thành viên.

"Kết quả của chuyên đề giám sát này phải nhận diện chính xác được thực trạng, nhất là vấn đề mới, nóng đang đặt ra, đề xuất các giải pháp toàn diện, đủ mạnh, đáp ứng sự kỳ vọng của toàn xã hội, cử tri và nhân dân" - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Qua các ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu, Đoàn giám sát tiếp tục đôn đốc việc gửi báo cáo của Chính phủ và các địa phương; các chủ thể, đối tượng giám sát. Cùng với đó, Đoàn giám sát triển khai làm việc trực tiếp với các địa phương, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan có liên quan; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; hoàn thiện dự thảo Báo cáo giám sát và xây dựng Dự thảo Nghị quyết giám sát.

man24.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Về định hướng xây dựng Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát và Dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục có sự đầu tư, tập trung làm rõ các nhóm vấn đề đang đặt ra về quản lý thị trường bất động sản và về phát triển nhà ở xã hội, từ cơ chế, chính sách, thực trạng tổ chức triển khai thực hiện, trách nhiệm, cơ chế phối hợp, kết quả, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân, kiến nghị, đề xuất... mang tính cốt lõi, gốc của vấn đề.

Cùng với đó, Đoàn giám sát phải giải đáp cho được tính đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình làm việc, cần đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, đối tượng giám sát đối chiếu những vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật giai đoạn 2015- 2023 với các luật mới được sửa đổi, bổ sung, tránh kiến nghị những nội dung đã được làm rõ trong các luật mới ban hành, bảo đảm đề xuất về hoàn thiện pháp luật đúng trọng tâm, có giá trị cho công tác xây dựng pháp luật trong giai đoạn tới

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị Đoàn giám sát cần làm rõ những nội dung mới đặt ra, những lỗ hổng, vướng mắc, rào cản từ cơ chế, trình tự, thủ tục, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, mối quan hệ phối hợp của các Bộ, ngành, của địa phương trong tổ chức thực hiện, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau...

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, hiện còn một số nội dung vẫn đang bỏ ngỏ, hoặc chưa chạm đến gốc rễ, cốt lõi của vấn đề… “Các Bộ, ngành, địa phương cần thống kê được mặt bằng giá giao dịch bất động sản, hiện mới chỉ liệt kê một số dự án cụ thể thì làm sao ra được bài toán về sự mất cân đối cung - cầu của thị trường?” – Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu vấn đề.

Theo đó, Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước phải làm rõ hơn về nội dung nguồn vốn cho thị trường bất động sản, bao gồm tình hình cấp tín dụng liên quan đến thị trường bất động sản, phát hành trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp bất động sản, phát hành cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản; nguồn vốn huy động từ các nguồn khác.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu, phải có số liệu về tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng bất động sản, số liệu về các đợt phát hành trái phiếu; đánh giá tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trái phiếu doanh nghiệp bất động sản có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro; thông tin về vấn đề bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản; đánh giá về lãi suất cho vay, dư nợ tín dụng…

db-tham-du.jpg
Các đại biểu tham dự Phiên họp. Ảnh:  quochoi.vn

Đối với Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành có liên quan, các địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải cập nhật, thông tin cho Đoàn giám sát đầy đủ số liệu về giá giao dịch bất động sản trong thời điểm yêu cầu báo cáo; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở xã hội chưa đạt mục tiêu đã đề ra; vướng mắc, bất cập cơ bản trong việc thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội là điều kiện để được thụ hưởng và trình tự, thủ tục thực hiện; phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phản ánh khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ của Chính phủ, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân; những vướng mắc, tranh chấp và khiếu kiện do xung đột quyền lợi giữa cư dân cùng chủ đầu tư; chậm tổ chức Hội nghị nhà chung cư...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý, Đoàn giám sát cần tham khảo, tận dụng tối đa các kết quả giám sát trước đó có liên quan; quá trình tổng kết việc thực hiện các luật, cơ chế, chính sách khác có liên quan đến quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội; tham khảo kết quả giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chuyên đề, chuyên ngành của các cơ quan chuyên môn có liên quan…

Đ. KHOA