Hiệp định Giơ-ne-vơ: Khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của dân tộc Việt Nam
Chính trị - Ngày đăng : 16:25, 25/04/2024
Cách đây 70 năm (21/7/1954-21/7/2024), Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết, mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Trải qua 70 năm, những bài học từ đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Lần đầu tiên trong lịch sử, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được khẳng định trong một điều ước quốc tế
Ngày 08/5/1954, đúng một ngày sau Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", Hội nghị Giơ-ne-vơ bắt đầu bàn về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Với vị thế của một dân tộc chiến thắng, đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn đã đến tham dự Hội nghị. Đây là lần đầu tiên nền ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ tham gia một hội nghị quốc tế lớn trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Trải qua 75 ngày đàm phán căng thẳng và phức tạp với 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp cấp Trưởng đoàn, Hiệp định Giơ-ne-vơ đã được ký vào ngày 21/7/1954.
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Hội nghị Giơ-ne-vơ đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to”. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được khẳng định trong một điều ước quốc tế, được các nước tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ công nhận và tôn trọng. Đây là thành quả đấu tranh quật cường của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ chống chủ nghĩa thực dân mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ vang vọng khắp thế giới.
Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ đã chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm ở nước ta, mở ra một chương mới trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Đó là, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam để đi tới thực hiện trọn vẹn mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Thắng lợi tại Hội nghị Giơ-ne-vơ bắt nguồn từ đường lối cách mạng đúng đắn và sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ khát vọng hòa bình cháy bỏng, chủ nghĩa yêu nước cùng bản lĩnh và trí tuệ của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đồng thời là kết tinh thành quả đấu tranh quật cường và bền bỉ của quân và dân ta, từ chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 đến Chiến dịch Biên giới Thu - Đông năm 1950 và tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Vận dụng và phát triển trong xây dựng trường phái “ngoại giao cây tre”
70 năm đã trôi qua, nhưng Hiệp định Giơ-ne-vơ vẫn để lại nhiều bài học quý báu, còn nguyên giá trị cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. Việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ không chỉ là một mốc son lịch sử của dân tộc ta, mà còn mang ý nghĩa thời đại. Bởi đây là thắng lợi chung của 3 nước Đông Dương và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Theo nhận định của bà Khamphao Ernthavanh - Đại sứ Lào tại Việt Nam, Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 cho chúng ta thấy rằng đường lối chiến tranh về mặt quân sự và chính trị ngoại giao sáng suốt, linh hoạt, tinh thần hy sinh và sự đoàn kết nội bộ và quốc tế của Lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương cũng như Lãnh đạo của Đảng Cộng sản 3 nước.
Mặt trận quân sự là đình chỉ chiến sự, rút lực lượng quân sự nước ngoài ra khỏi 3 nước và lập lại hòa bình tại Đông Dương. Tuyến chính trị ngoại giao được chấp nhận và đảm bảo hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Lào, Việt Nam và Campuchia, chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. "70 năm trôi qua, Hiệp Giơ-ne-vơ vẫn giữ nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng hòa bình, bảo vệ giữ gìn và phát triển 3 nước Đông Dương trong bối cảnh hiện nay" - Đại sứ Khamphao Ernthavanh nhấn mạnh.
Còn bà Chea Kimtha - Đại sứ Campuchia tại Việt Nam - đánh giá, sau khi ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, cả Campuchia, Việt Nam và Lào chưa có được một nền hòa bình ngay tức thì mà thay vào đó lại phải đối mặt với những biến cố khó lường, cũng như các cuộc chiến tranh dai dẳng khác nổ ra trong nhiều năm tiếp theo. Tuy nhiên, 3 nước đã kề vai, sát cánh và giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp đoàn kết dân tộc, thống nhất đất nước, đặc biệt là công cuộc đấu tranh chống tội ác diệt chủng tàn bạo ở Campuchia.
Ngoài ra, 3 nước còn tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau trong các khuôn khổ song phương và đa phương nhằm khôi phục đất nước và không ngừng phát triển kinh tế - xã hội với tinh thần “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”. Ngày nay, Campuchia, Việt Nam và Lào đã bước sang một trang mới trong lịch sử, đóng góp vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng và hợp tác quốc tế, cũng như phát triển kinh tế khu vực và toàn cầu nói chung.
Có thể nói, quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ là một cuốn cẩm nang quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam, đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Pari năm 1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, tạo ra cục diện có lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam.
Ngày nay, trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới và hội nhập quốc tế, cùng với việc phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, việc vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm đấu tranh ngoại giao trong lịch sử nói chung và kinh nghiệm chỉ đạo đấu tranh đàm phán, ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ nói riêng vẫn mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Do đó, nhiều bài học quý báu từ Hiệp định Giơ-ne-vơ cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá và tổng kết để kế thừa, vận dụng và phát triển trong xây dựng trường phái đối ngoại và ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam" - "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển" để giữ vững hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, sánh vai với các cường quốc năm châu./.