10 tháng: Xuất khẩu lao động đã vượt chỉ tiêu cả năm 2018

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 09:55, 05/11/2018

(BKTO) - Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong 10 tháng năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 116.675 lao động, đạt 106,07% kế hoạch năm 2018. Trong đó, chỉ tính riêng tháng 10/2018, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 14.548 lao động.


Cụ thể, Nhật Bản là thị trường tiếp nhận nhiều lao động nhất trong tháng 10 với 8.078 lao động, tiếp đến là Đài Loan 5.373 lao động, Hàn Quốc 522 lao động, Algeria 102 lao động, Ả rập- Xê út 120 lao động...

Tính chung trong 10 tháng năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 116.675 lao động. Như vậy, với mục tiêu đưa 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2018, thì đến tháng 10/2018, Việt Nam đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đặt ra, đạt 106,07% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu lao động của nước ta vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, như: chất lượng lao động thấp, vẫn còn doanh nghiệp xuất khẩu lao động trái phép, hay lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp sau khi kết thúc hợp đồng, tình trạng vi phạm, lợi dụng, lừa đảo trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn đang diễn ra…
                
   

Xuất khẩu lao động 10 tháng vượt chỉ tiêu của cả năm 2018. Ảnh: Internet

   
Do đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng trong thời gian tới, cần có những giải pháp khắc phục để đẩy mạnh xuất khẩu lao động của Việt Nam. Các địa phương tích cực liên kết với DN xuất khẩu lao động đào tạo tay nghề, ngoại ngữ để có thể tuyển chọn người lao động có trình độ tham gia các thị trường thu nhập cao. Bên cạnh đó, cần có hành lang pháp lý đủ mạnh để xử phạt vi phạm hành chính về lao động, thu hồi giấy phép của DN xuất khẩu lao động hoạt động trái phép.

Ngoài ra, đối với những lao động cư trú bất hợp pháp, cần nâng mức chế tài không chỉ đối với doanh nghiệp có lao động bỏ trốn cũng như thu phí của người lao động cao hơn mức quy định của pháp luật mà với cả người lao động nếu có hành vi phá vỡ hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài làm ăn phi pháp. Nhưng đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp, giảm các thủ tục xuất- nhập cảnh cho đối tượng lao động xuất khẩu.

NGUYỄN LỘC