Hành động quyết liệt, quyết tâm gỡ “Thẻ vàng” IUU
Chính trị - Ngày đăng : 12:54, 27/04/2024
Quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2024
Những năm qua, ngành thuỷ sản tiếp tục phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tổng sản lượng hằng năm đạt trên 9 triệu tấn, đóng góp khoảng 30% GDP của ngành nông nghiệp; sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu đến 170 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ ba thế giới; giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Từ năm 2017 đến nay, các cấp, các ngành, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; xây dựng hệ thống theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, giảm dần số vụ vi phạm.
Có 3 điểm lớn mà chúng ta cần tập trung trong các khuyến cáo của EC. Một là tàu cá còn vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Thứ hai là tàu cá còn tắt thiết bị giám sát hành trình. Thứ 3 là do lịch sử để lại, Việt Nam có những đội tàu chưa được đăng ký, đăng kiểm, không giấy phép khai thác. Đây là 3 tồn tại dễ dẫn đến ngư dân không tuân thủ pháp luật. Hiện nay, các địa phương đang thực hiện đăng ký lại với những tàu "3 không" này.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan
Tuy nhiên, phát triển ngành thuỷ sản Việt Nam chưa bền vững, chưa gỡ được cảnh báo "Thẻ vàng" của Uỷ ban châu Âu (EC), chưa tuân thủ đầy đủ quy định chống khai thác IUU. Việc triển khai hệ thống quản lý, giám sát toàn diện đội tàu; cập nhật cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia; truy xuất nguồn gốc thuỷ sản; xây dựng chuỗi sản xuất thuỷ sản liên kết giữa ngư dân, doanh nghiệp và chính quyền; xử lý vi phạm còn hạn chế.
Để đẩy mạnh công tác chống khai thác IUU, bảo đảm phát triển bền vững ngành thuỷ sản, Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW (Chỉ thị 32) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thuỷ sản.
Trong đó, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Đó là, xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản. Đồng thời là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu ở ngành, địa phương có trách nhiệm trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2024.
Ban Bí thư ban đã hành ban hành Chỉ thị 32 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản. Chỉ thị huy động sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị vào lãnh đạo, chỉ đạo chống khai thác IUU. Như vậy, chống khai thác IUU đã có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Đảng, Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân ven biển, hải đảo về phát triển bền vững ngành thủy sản, chống khai thác IUU. Kiện toàn, nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm cho lực lượng kiểm ngư và các cơ quan chức năng quản lý hoạt động thủy sản. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, thực thi pháp luật, xử lý triệt để các hành vi vi phạm...
Xác định trách nhiệm người đứng đầu
Tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 32 do Ban Bí thư tổ chức mới đây, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nêu rõ: Từ năm 2017, khi nhận cảnh báo "Thẻ vàng" của EC, Việt Nam đã nhận thức được những tác động tiêu cực của vấn đề này đối với phát triển ngành thủy sản lâu dài. Từ đó đến nay, vấn đề này càng được nhận thức sâu sắc và đầy đủ từ cấp ủy Đảng đến hệ thống chính trị, các địa phương, nhận thức của ngư dân, người lao động có liên quan; hành động cũng ngày càng mạnh mẽ, tích cực hơn.
“Có nhận thức đủ mới hành động đủ, cần có quyết tâm đủ để thực hiện mục tiêu, giải pháp của Chỉ thị 32. Đặc biệt, mục tiêu rất cao là gỡ bỏ 'Thẻ vàng' trong năm 2024” - Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Theo Thường trực Ban Bí thư, Chỉ thị 32 đã xác định đây là vấn đề quan trọng, cấp bách, lâu dài. Ảnh hưởng tiêu cực từ cảnh báo “Thẻ vàng” đã thấy rõ: Hàng hóa, thủy sản xuất khẩu đến châu Âu phải kiểm soát 100% (thay vì kiểm tra theo xác suất). Chi phí doanh nghiệp cũng tăng lên. Về lâu dài, nếu không gỡ được cảnh báo “Thẻ vàng” sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành thủy sản, phát triển đất nước mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu ngư dân, người lao động có liên quan.
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đề nghị các Bộ, ngành liên quan cũng như các địa phương thể hiện quyết tâm cao để gỡ bỏ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2024. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) thường xuyên báo cáo Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Bí thư về những địa phương, đơn vị làm tốt, địa phương chưa làm tốt để làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị đó. “Dù còn nhiều thách thức, nhưng khi nhận thức đầy đủ, hành động quyết liệt thì có thể đạt được mục tiêu đề ra” - Thường trực Ban Bí thư tin tưởng.
Về lâu dài, cần quan tâm, cấu trúc lại nghề cá theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững; quan tâm tạo sinh kế phù hợp, nâng cao đời sống ngư dân, người lao động có liên quan; đồng thời phải có chính sách bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản lâu dài. Trên cơ sở đó, nâng cao hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam.
Trình bày Chương trình Hành động và Kế hoạch của Chính phủ triển khai Chỉ thị 32, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh yêu cầu: Hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan chống khai thác IUU để xử lý dứt điểm tàu cá “ba không”; đặc biệt là hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Các nhiệm vụ tiếp theo là triển khai đồng bộ, quyết liệt pháp luật về thủy sản trong quản lý đội tàu, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, tại cảng, xuất, nhập bến phải tuân thủ đầy đủ theo quy định pháp luật; thực hiện nghiêm các quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế về xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, đảm bảo không có sản phẩm thủy sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài.
Về nhiệm vụ, giải pháp dài hạn phát triển bền vững ngành thủy sản, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thủy sản; thực hiện mạnh mẽ giải pháp chuyển đổi nghề, phát triển ngành nghề bền vững, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển, giảm phụ thuộc vào khai thác thủy sản cho ngư dân; nâng cao cuộc sống của cộng đồng ngư dân ven biển và hải đảo.../.
Dự kiến, tháng 5/2024, Đoàn thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam thanh tra lần thứ 5 về chống khai thác IUU. Đây là cơ hội cuối cùng để Việt Nam tháo gỡ “Thẻ vàng” trước khi EU bầu cử Nghị viện. Nếu không làm được, Việt Nam có thể phải mất vài năm nữa mới có cơ hội, thậm chí có nguy cơ bị phạt "Thẻ đỏ", Vì thế, nhiệm vụ gỡ "Thẻ vàng" đang cấp thiết hơn bao giờ hết và cần dồn sức thực hiện.