Canada: Cần nỗ lực hơn nữa để không bỏ lỡ các mục tiêu về khí hậu
Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 17:03, 27/04/2024
Mục tiêu giảm phát thải đối mặt nhiều rào cản lớn
Báo cáo kiểm toán của OAG xác nhận, những nỗ lực về khí hậu của Canada cho đến nay vẫn chưa thỏa đáng. Các nhà đầu tư Canada là nhà tài trợ nhiên liệu hóa thạch lớn nhất trên toàn cầu, điều đó có nghĩa là họ vẫn đang góp phần gây ra tình trạng ô nhiễm khí hậu, chứ chưa thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường. OAG cho rằng, chính sách tài chính phù hợp với khí hậu là “mảnh ghép lớn” còn thiếu để giúp Canada đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
OAG cho rằng, sự chậm trễ trong việc thực hiện các quy định quan trọng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 là một trong những rào cản lớn nhất trong việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Điều này cảnh báo Chính phủ phải nhanh chóng chuyển sang thực hiện biện pháp hạn chế lượng khí thải từ ngành dầu khí, điều chỉnh chính sách tài chính, hoàn thiện các quy định về điện sạch, loại bỏ dần việc bán ô tô và xe chạy bằng xăng vào năm 2035…
Báo cáo nêu rõ, hành động của Chính phủ phải hướng vào các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nhất. Điển hình, ngành công nghiệp dầu khí là nguồn gây ô nhiễm khí nhà kính lớn nhất và gia tăng nhanh nhất tại Canada. Mặc dù Chính phủ liên bang đã cam kết sẽ đưa ra các quy định mới để giảm lượng khí thải từ dầu và khí đốt, nhưng đã hơn 2 năm trôi qua, dự thảo quy định vẫn chưa được đưa ra.
Hiện nay, các chính sách tài chính phù hợp đã được soạn thảo và đề xuất, bao gồm Luật Tài chính phù hợp với khí hậu. Văn phòng Tổng Kiểm toán cho rằng, các nhà hoạch định chính sách nên phối hợp để cùng ủng hộ, phát triển những giải pháp có sẵn, nhằm đưa Canada đi đúng hướng trên con đường cải thiện khí hậu.
Tại Canada, giới hạn phát thải đang phải đối mặt với sự phản đối từ ngành dầu khí, điều này có thể làm tăng rủi ro đối với việc thực hiện các mục tiêu về khí hậu, thông qua việc một số chính sách yếu kém hơn có thể được ban hành. OAG cho rằng, nhằm nắm bắt cơ hội đạt được mục tiêu giảm phát thải, Chính phủ liên bang phải có những giải pháp phù hợp và cam kết mạnh mẽ về giảm mức phát thải.
Cần hành động ngay để sớm đạt mục tiêu về khí hậu
Để đạt được các mục tiêu về khí hậu, OAG kiến nghị Chính phủ Canada cần tăng tốc hoàn thiện các quy định về năng lượng sạch. Các nguồn năng lượng sạch như điện sạch được coi là “xương sống” của mọi kế hoạch, nhằm giảm lượng carbon vào khí quyển, với mục tiêu đạt được nền kinh tế tuần hoàn phát thải thấp.
Tuy nhiên, OAG bày tỏ lo ngại rằng, những quy định đang được soạn thảo tại Canada có thể vẫn không đáp ứng được các mục tiêu của quốc gia, cũng như cam kết về một ngành điện có phát thải ròng bằng 0 khó có thể trở thành hiện thực vào năm 2035. OAG cho rằng, Canada cần có các biện pháp ngăn chặn việc các nhà máy khí đốt hoạt động sau năm 2035 và cần hoàn thiện các quy định ngay từ bây giờ.
Năm 2021, Chính phủ Canada từng đặt mục tiêu vào năm 2030 sẽ giảm 40-45% lượng khí thải so với năm 2005. OAG cho rằng, Chính phủ cần hành động ngay, bởi nếu chậm trễ hơn trong việc ngăn chặn các thảm họa về khí hậu, nhiều hậu quả thảm khốc hơn nữa có thể sẽ xảy ra.
OAG cũng kêu gọi Chính phủ liên bang nhanh chóng thực hiện quy định sử dụng phương tiện giao thông không phát thải. Để giúp thu hẹp khoảng cách với mục tiêu đã đề ra, OAG khuyến khích dùng phương tiện giao thông không phát thải nhiều hơn, phù hợp với tình hình phát thải thực tế tại các khu vực; thắt chặt các quy định hiện tại giúp nâng cao việc tuân thủ pháp luật; loại bỏ lỗ hổng về các hoạt động liên quan đến phương tiện giao thông không phát thải; tạm dừng việc đưa ra các điều khoản mới có thể làm suy yếu quy định dự thảo...
Để giải quyết các vấn đề trong việc thực hiện mục tiêu vì khí hậu của Canada, OAG kiến nghị thêm, Chính phủ liên bang cần khẩn trương thực hiện các chính sách đã cam kết, đảm bảo trách nhiệm giải trình của các cơ quan công và đưa ra các mốc thời gian thực hiện rõ ràng. Nếu không có những thay đổi quan trọng này, có thể Canada sẽ tiếp tục bỏ lỡ các mục tiêu về khí hậu và không đóng góp được vào cam kết “nỗ lực giữ nhiệt độ toàn cầu không cao hơn 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp”, theo Thỏa thuận chung Paris tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2015./.
(Theo OAG, Environmental Defence và tổng hợp)