Chinh phục thị trường nội địa: “Bệ đỡ” vững chắc cho doanh nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 17:05, 27/04/2024

(BKTO) - Với quy mô lớn, thị trường nội địa là “bệ đỡ” vững chắc cho các doanh nghiệp (DN) Việt, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng có những biến động phức tạp, khó lường. Do đó, DN cần “bám sâu rễ, bền gốc” ở thị trường nội địa, làm hành trang vững chắc để phát triển, vươn ra thị trường thế giới.
19(2).jpg
Doanh nghiệp Việt cần có chiến lược bài bản để chinh phục thị trường nội địa. Ảnh minh họa

“Mảnh đất” màu mỡ đối với các doanh nghiệp

Đánh giá về tiềm năng của thị trường nội địa, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - cho rằng đây là “mảnh đất” màu mỡ đối với các DN Việt. Bởi lẽ, thị trường trong nước có quy mô dân số lớn trên 100 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người ngày càng được cải thiện, tầng lớp trung lưu có xu hướng tăng nhanh và tỷ lệ tiêu dùng so với tổng sản phẩm quốc nội cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực (trên 70%)… Cũng theo ông Thành, thời gian qua, rất nhiều nhà sản xuất, tập đoàn lớn trên thế giới hướng đến Việt Nam là thị trường tiêu thụ khi nhìn thấy tiềm năng của thị trường. Điều đó cho thấy, nếu các DN Việt biết khai thác, tận dụng tốt dư địa phát triển của thị trường nội địa sẽ duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách ổn định. “Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng có những biến động khó lường như hiện nay, thị trường nội địa luôn là điểm tựa vững chắc, an toàn, tạo thế chủ động cho DN trước những cú sốc bên ngoài. Thêm vào đó, DN cũng cần nhận thức sâu sắc rằng, muốn bán hàng tốt ra thế giới thì trước hết phải bán hàng tốt ở thị trường nội địa, cần “bám sâu rễ, bền gốc” ở thị trường nội địa để làm “bàn đạp” phát triển, vươn ra thế giới” - ông Thành nhấn mạnh.

Theo một số nghiên cứu, tính đến cuối năm 2023, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đã vượt qua mốc 180 tỷ USD và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo.

Trên thực tế, nhận thấy tiềm năng của thị trường nội địa, thời gian gần đây, nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam cũng đã có những chiến lược, kế hoạch để chinh phục thị trường trong nước. Từ ngành hàng gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - chia sẻ, trước đây, các DN trong ngành chủ yếu theo đuổi mục tiêu xuất khẩu, tuy nhiên, vài năm trở lại đây, rất nhiều DN sản xuất chế biến gỗ, nội thất của Việt Nam đã quay lại “sân nhà” tìm chỗ đứng, khi nhận thấy việc xuất khẩu không phải lúc nào cũng thuận lợi. “Hướng về thị trường nội địa, nhiều DN trong Hiệp hội có những kế hoạch khai thác thị trường một cách bài bản đã gặt hái được nhiều thành công” - ông Hoài nói.

Tương tự, đối với ngành hàng thủy sản, bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - chia sẻ, những năm gần đây, nhiều DN thủy sản đã nâng thị phần tại thị trường nội địa, đặc biệt là các DN làm các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Riêng tại VASEP cũng có câu lạc bộ tiêu thụ hàng nội địa với khoảng 30 DN tham gia; có những DN có doanh số tại thị trường nội địa chiếm từ 30-50% tổng doanh thu…

Doanh nghiệp cần có chiến lược bài bản để chinh phục “sân nhà”

Bên cạnh những DN đã chinh phục thành công thị trường nội địa, thực tế cho thấy đối với nhiều DN Việt, việc quay trở lại “sân nhà”, tìm được chỗ đứng tại thị trường trong nước không phải là điều dễ dàng.

Chỉ ra những rào cản cản trở DN khai thác tốt thị trường nội địa, theo các chuyên gia, trước hết là do việc khai thác thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu rất khác nhau. Cụ thể với xuất khẩu, phần lớn DN Việt là làm gia công theo đơn hàng xuất khẩu, nên DN không phải lo đầu ra của sản phẩm hay khâu thiết kế. Trong khi đó, nếu sản xuất bán hàng trong nước, DN sẽ phải chủ động tất cả các khâu từ thiết kế đến tổ chức giới thiệu sản phẩm và phân phối, bán hàng… Điều này sẽ là “bài toán” khó đối với nhiều DN, nhất là những DN nhỏ, năng lực còn hạn chế về nhiều mặt. Bên cạnh đó, các DN Việt còn gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối hợp tác tiêu thụ với các chuỗi cơ sở phân phối bán lẻ, nhất là các cơ sở phân phối của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mặt khác, các DN vẫn phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm đại trà cùng loại giá rẻ, thậm chí là hàng giả, hàng nhái, cũng như phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu đang có phần lấn át hàng nội. Ngoài ra, hạ tầng của hệ thống phân phối, hạ tầng logistics… vẫn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến việc phân phối sản phẩm của DN ra thị trường…

Từ thực tế trên, để khai thác được thị trường nội địa, ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng, chất lượng là một yếu tố then chốt để hàng hóa, sản phẩm của DN tiếp cận được người tiêu dùng. “Hiện nay, yêu cầu của người tiêu dùng nội địa ngày càng khắt khe, đòi hỏi hàng Việt phải có giá cả cạnh tranh với hàng ngoại nhập trong khi chất lượng tương đương. Vì vậy, DN cần nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, đi cùng với việc tổ chức sản xuất một cách tối ưu để sản phẩm có giá cả phải chăng, từ đó mới có thể cạnh tranh được trên thị trường” - ông Hoài nói.

Nhấn mạnh việc nắm bắt đúng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng là “chìa khóa” giúp DN chinh phục thành công thị trường nội địa, TS. Võ Trí Thành khuyến nghị, các DN cần có sự đầu tư xứng đáng cho hoạt động nghiên cứu thị trường. Trên cơ sở nghiên cứu thấu đáo nhu cầu thị trường, DN mới có thể lựa chọn được cho mình một phân phúc phù hợp để có dòng sản phẩm tạo được chỗ đứng trên thị trường. “Các DN nước ngoài khi muốn vào kinh doanh tại Việt Nam, họ nghiên cứu, tìm hiểu thông tin về thị trường rất kỹ lưỡng. Trong khi đó, nhiều DN tự tin rằng mình là người Việt, mình hiểu thị trường Việt Nam rồi nên không chú trọng nghiên cứu thị trường một cách bài bản thì chưa chắc thu được thành công” - ông Thành nhấn mạnh; đồng thời chia sẻ thêm, xu hướng, thị hiếu của người tiêu dùng luôn có sự thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi các DN cần phải năng động, luôn luôn đổi mới sáng tạo để đón bắt được nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh sự nỗ lực của các DN, Nhà nước cần gia tăng các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa, hỗ trợ kết nối cung - cầu... Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần làm tốt công tác kiểm soát thị trường, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, để bảo vệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN làm ăn chân chính./.

TRẦN THIỆN