Kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực môi trường: Còn nhiều thách thức
Kiểm toán - Ngày đăng : 09:04, 28/04/2024
Những thách thức trong hoạt động kiểm toán
Thực tiễn tại nhiều quốc gia đã chứng minh: Kiểm toán nhà nước (KTNN) với vai trò là cơ quan độc lập, thực hiện kiểm toán, đánh giá việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công là một trong những công cụ quản lý, giám sát hiệu quả, hiệu lực trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực môi trường. Các cơ quan kiểm toán có thể áp dụng 1 trong 3 hoặc lồng ghép cả 3 loại hình kiểm toán (hoạt động, tài chính và tuân thủ) tùy thuộc vào mục tiêu, nội dung của từng cuộc kiểm toán. Trong đó, loại hình KTHĐ đóng vai trò chủ đạo, được áp dụng phổ biến trong các cuộc kiểm toán môi trường (KTMT) mà các cơ quan KTNN thực hiện hằng năm.
Tại Việt Nam, nếu như trước đây, KTNN chủ yếu thực hiện lồng ghép nội dung môi trường trong các cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán dự án, thì nay, kiểm toán lĩnh vực môi trường có xu hướng áp dụng loại hình KTHĐ nhằm tập trung đi sâu đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý môi trường, việc sử dụng tài chính công, tài sản công trong lĩnh vực môi trường. Trong đó, phải kể đến một số cuộc tiêu biểu như: Kiểm toán việc thực hiện giải pháp giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy tại TP. HCM (KTNN khu vực IV); KTHĐ cải tạo và phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (KTNN khu vực X)…
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đơn vị kiểm toán cũng cho rằng, việc tổ chức KTMT áp dụng loại hình KTHĐ vẫn còn khá khiêm tốn. Đến nay, KTNN vẫn chưa tổ chức được cuộc kiểm toán độc lập về KTHĐ liên quan đến môi trường có sự trợ giúp của chuyên gia và hợp tác với các cơ quan kiểm toán khác. Mặt khác, do là nội dung kiểm toán mới, lại kết hợp với loại hình kiểm toán khó nên quá trình tổ chức kiểm toán còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đơn cử, thời gian kiểm toán tối đa 60 ngày là không đảm bảo, trong khi phạm vi kiểm toán rộng, gồm nhiều nội dung khác như: Phỏng vấn, khảo sát hiện trường, thuê đơn vị phân tích mẫu...; chưa kể để có bằng chứng kiểm toán thuyết phục cần theo dõi trong thời gian dài (như theo dõi việc xả thải), do đó ít nhiều gây ảnh hưởng đến kết quả kiểm toán.
Theo KTNN khu vực V, khi áp dụng KTHĐ trong KTMT, việc xác định tiêu chí kiểm toán cũng là một thách thức do đây là lĩnh vực còn mới với Việt Nam. Bên cạnh đó, KTNN cũng chưa có cơ sở dữ liệu về KTMT, dẫn đến khó khăn khi xác định chủ đề kiểm toán. Đặc biệt, nguồn nhân lực kiểm toán chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao đối với lĩnh vực kiểm toán này. Các quy định về hoạt động KTMT từng bước được hoàn thiện, song do đặc trưng lĩnh vực môi trường rộng, tính chất các vụ việc về môi trường thay đổi nhanh, khó có tiêu chí xác định, dẫn đến văn bản có sửa đổi cũng chưa thể theo kịp tình hình thực tiễn…
Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán
Từ việc nhận diện những khó khăn, rào cản trong việc KMTM áp dụng theo loại hình KTHĐ, các đơn vị kiểm toán cũng đề xuất giải pháp trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, cũng như thực tiễn triển khai tại đơn vị để nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán.
Theo đó, để thực hiện tốt các cuộc kiểm toán này, cơ quan KTNN cần lưu ý tới Hướng dẫn KTMT của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao, đồng thời tuân thủ các quy trình, chuẩn mực, hướng dẫn của từng cơ quan kiểm toán. Trong đó, đối với vấn đề tiêu chí kiểm toán, tùy thuộc vào nội dung kiểm toán, các cơ quan kiểm toán cần có sự lựa chọn tiêu chí cho phù hợp với một số gợi ý là dựa vào quy định về quản lý môi trường hiện hành, dựa vào mục tiêu kiểm toán được hướng đến... KTNN cần sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường, phục vụ cho việc lựa chọn chủ đề, cũng như xác định tiêu chí kiểm toán phù hợp.
Từ kinh nghiệm tổ chức kiểm toán, đại diện Phòng KTMT (KTNN chuyên ngành III) cho rằng, đối với cuộc KTMT áp dụng loại hình KTHĐ, đơn vị kiểm toán cần phải chú trọng hơn đến công tác tập huấn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các kiểm toán viên về loại hình kiểm toán, về KTMT, từ đó giúp tăng thêm hiểu biết, cũng như tạo sự thống nhất trong triển khai, đưa ra đánh giá kiểm toán. Bên cạnh đó, các ý kiến cho rằng, trong quá trình kiểm toán, KTNN cần sử dụng chuyên gia tư vấn để hỗ trợ về vấn đề môi trường. Đối với các cuộc kiểm toán phức tạp, đơn vị kiểm toán cần tăng cường sử dụng các công nghệ hỗ trợ, như: Hệ thống thông tin địa lý, hình ảnh vệ tinh viễn thám khi kiểm toán liên quan đến rừng, tài nguyên khoáng sản... Những vấn đề này đều đã được ghi nhận trong Luật KTNN, do đó có cơ sở pháp lý vững chắc, giúp thuận lợi khi triển khai áp dụng vào kiểm toán.
Nhấn mạnh yếu tố con người có vai trò quyết định, PGS,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán kiểm toán Việt Nam - cho rằng, KTNN đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm toán trong tình hình mới, bản thân kiểm toán viên cần ý thức nâng cao năng lực kiểm toán, khi các đánh giá kiểm toán được đưa ra phụ thuộc lớn vào khả năng xét đoán cá nhân. Do đó, kiểm toán viên cần tận dụng cơ hội để tham gia đào tạo, tự đào tạo, tích lũy kinh nghiệm và thường xuyên cập nhật quy định pháp luật, nhất là với lĩnh vực môi trường có phạm vi ảnh hưởng rộng, số lượng văn bản nhiều, từ đó đưa ra những đánh giá có giá trị, đủ bằng chứng và có tính thuyết phục cao./.