"Chuyển đổi kép" hướng tới nền kinh tế bền vững
Kinh tế - Ngày đăng : 09:20, 28/04/2024
Xu hướng chung của thế giới
Mới đây, trong khuôn khổ diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam (Vietnam Connect Forum) năm 2024 lần thứ 4 diễn ra tại Hải Phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư một số lĩnh vực thúc đẩy CĐX, như: Năng lượng tái tạo, phát triển vật liệu mới, phát triển kinh tế số, chính phủ số, chính quyền số, CĐX trong giao thông, phát triển đô thị thông minh...
Phó Thủ tướng cho biết, kinh tế xanh, phát triển bền vững là chủ đề có tính toàn cầu, quan trọng và cấp thiết. Điều này đòi hỏi sự kết nối chặt chẽ giữa Chính phủ với địa phương và doanh nghiệp, cũng như giữa Việt Nam với thế giới. Bởi, biến đổi khí hậu vẫn luôn là vấn đề toàn cầu. “Kinh tế xanh là nhiệm vụ và xu thế không thể đảo ngược. Đây là lựa chọn tất yếu mà chúng ta phải chuyển đổi để giữ gìn Trái đất” - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định.
Theo ông Dennis Quennet - Giám đốc các dự án Phát triển Kinh tế Bền vững, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam - hiện nay, chuyển đổi kép đã trở thành một xu hướng quốc tế tất yếu. Nhiều quốc gia trên thế giới đã tích cực thực hiện chuyển đổi kép để hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, bền vững.
Tại châu Á, Hàn Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên coi tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển quốc gia và công bố cam kết xanh hóa các lĩnh vực công nghệ thông tin từ đầu những năm 2000. Các bước tiến trong quá trình xanh hóa lĩnh vực công nghệ thông tin tại Hàn Quốc được hỗ trợ bởi một tầm nhìn dài hạn và cam kết chính trị mạnh mẽ. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, nhiều nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ và hoàn thiện khung pháp lý vững chắc cho việc thực thi các sáng kiến xanh đã được quốc gia này triển khai thực hiện trong thời gian qua.
Tại châu Âu, Đức là một trong những nước thành công trong việc giảm thiểu carbon, thông qua tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Đây cũng là quốc gia đóng góp tích cực vào nỗ lực chuyển đổi kép trên toàn thế giới, thông qua việc cung cấp kiến thức và nguồn lực thiết yếu về CĐS và CĐX cho các nước đang phát triển.
Không nằm ngoài xu hướng này, tại Việt Nam, tăng trưởng xanh đã nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước, thể hiện thông qua các chiến lược quốc gia và khung khổ pháp lý, như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam…
Xây dựng tương lai bền vững cho doanh nghiệp
Thực tiễn cho thấy, việc triển khai các chiến lược, kế hoạch về tăng trưởng xanh đã bước đầu đạt được thành tựu, góp phần thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam về việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2023 được công bố mới đây, hiện nay, xu hướng chuyển đổi kép tập trung ở 3 trụ cột chính, gồm: Tăng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; Tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; Giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính.
Báo cáo nêu rõ: Tại Việt Nam, công nghệ số và CĐS được kỳ vọng là động lực thúc đẩy sự thành công của việc chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh. Cụ thể là: Giảm thiểu cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và CĐS; đồng thời xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Đối với các doanh nghiệp, nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, thực hiện chuyển đổi kép sẽ mang lại nhiều lợi ích lâu dài, bền vững. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí thông qua việc nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Chuyển đổi kép cũng đóng vai trò như chất xúc tác cho đổi mới sáng tạo, cải tiến quy trình, mở đường cho các mô hình kinh doanh mới, từ đó, thay đổi cơ bản cách thức vận hành của doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong môi trường đầy biến động như hiện nay, việc chủ động ứng dụng chuyển đổi kép sẽ giúp doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt hơn và dễ dàng thích ứng hơn với các thách thức phía trước. Bởi, việc đa dạng hóa nguồn năng lượng và đầu tư vào hoạt động tuần hoàn sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào các tài nguyên có khả năng trở nên khan hiếm trong tương lai.
Theo ông Binu Jacob - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh gắn với các mục tiêu phát triển bền vững sẽ có được lợi thế cạnh tranh trong dài hạn. Bởi, vai trò của doanh nghiệp không chỉ là đem đến lợi ích cho cổ đông, mà còn tạo ra tác động cho xã hội. "Doanh nghiệp phát triển tốt nhờ đem đến những giá trị tốt đẹp cho xã hội" - ông Binu Jacob nhấn mạnh.
Là một trong những công ty lọt vào danh sách "Top 50 Doanh nghiệp xuất sắc Việt Nam năm 2023", có 4 giải pháp được nhận giải thưởng Sao Khuê 2024, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã chứng minh sự nỗ lực, thích ứng, sáng tạo và đổi mới đã mang lại kết quả tốt trong sản xuất kinh doanh.
Với việc áp dụng CĐS mạnh mẽ thông qua xây dựng nền sản xuất thông minh, tự động hóa và nâng cao tự động hóa các khâu trong dây chuyền, Công ty Rạng Đông đã tạo thành hệ điều hành trong sản xuất, khai thác được các nguồn lực một cách tối ưu. Đây là giải pháp tiết kiệm năng lượng thiết thực, hiệu quả, thể hiện qua kết quả tiết kiệm năng lượng tối ưu và làm thay đổi diện mạo Rạng Đông.
Theo ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc Công ty Rạng Đông, nhờ CĐS, tiết kiệm năng lượng, năng suất của Rạng Đông tăng lên gấp rưỡi. Sản phẩm Led hiệu suất cao Rạng Đông được bảo hành từ 2-5 năm, tỷ lệ hỏng không quá 0,2%/năm, rất tiết kiệm chi phí cho người tiêu dùng, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tối đa rác thải công nghiệp và chi phí năng lượng để xử lý rác thải.
"Trước đây trong 1 tháng, số lượng đèn Led sản xuất ra được 5 triệu sản phẩm thì hiện nay, mỗi tháng sản xuất ra 7 triệu sản phẩm. Những sản phẩm đó có giá trị gia tăng cao hơn nhiều vì được tích hợp các hàm lượng tri thức, hàm lượng công nghệ cao" - ông Đoàn Kết cho biết.
Về vấn đề này, ông Dennis Quennet cho rằng, trước xu hướng chuyển đổi kép đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, cần có sự chuẩn bị sẵn sàng, chủ động ở cấp toàn cầu, cấp quốc gia và cấp ngành, cũng như cần có sự hỗ trợ, chia sẻ cho các doanh nghiệp trong tiến trình này, để biến những thách thức thành cơ hội. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; xây dựng các hoạt động thân thiện với môi trường, sử dụng các mô hình kinh doanh thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh, đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Để góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, GIZ khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực và mạnh mẽ cho Việt Nam trong quá trình CĐX và CĐS, để tạo ra những mô hình kinh doanh trong quá trình chuyển đổi quan trọng này./.