Lan tỏa sâu rộng chính sách bảo hiểm y tế vào đời sống

Xã hội - Ngày đăng : 09:00, 28/04/2024

(BKTO) - 15 năm qua, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư về “đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới” (Chỉ thị số 38) đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), khẳng định giá trị nhân văn và vai trò trụ cột của chính sách này trong hệ thống an sinh xã hội.
9c4b4627e9a947f71eb8.jpg
Quỹ BHYT đã trở thành nguồn tài chính quan trọng góp phần chăm lo sức khỏe cho người dân. Ảnh: Đ. KHOA

Tấm thẻ bảo hiểm y tế trở thành một phần không thể thiếu của người dân

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Cán sự Đảng Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam mới đây, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, với việc quán triệt và triển khai kịp thời, đầy đủ nội dung Chỉ thị số 38 của Ban Bí thư, cùng  sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, công tác thực hiện chính sách BHYT đã đạt được các kết quả nổi bật.

“Nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, các đơn vị sử dụng lao động, người tham gia BHYT, cơ sở khám, chữa bệnh về chính sách, pháp luật BHYT đã có chuyển biến tích cực. Sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị đã tạo chuyển biến cả về nhận thức và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách BHYT từ Trung ương đến địa phương, lan tỏa đến người dân” - ông Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.

Cụ thể hóa tinh thần Chỉ thị số 38, thời gian qua, thể chế, chính sách, pháp luật để thực hiện chính sách BHYT không ngừng được hoàn thiện. Nhờ đó, độ bao phủ BHYT tăng nhanh và phát triển bền vững, tiệm cận tới mục tiêu BHYT toàn dân.

Chia sẻ về kết quả này, ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, từ năm 2008 đến nay, số người tham gia và tỷ lệ bao phủ BHYT năm sau luôn cao hơn năm trước, mục tiêu đến năm 2025 đạt trên 95% dân số tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân theo các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là mục tiêu không còn xa...

Nếu như năm 2008, toàn quốc có 39,7 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 46,1% dân số thì đến năm 2009 - sau khi Chỉ thị số 38 được ban hành, toàn quốc có trên 50 triệu người tham gia BHYT, tăng trên 10 triệu người so với năm 2008, đạt tỷ lệ bao phủ 58,2% dân số; đến năm 2023 có 93,6 triệu người tham gia BHYT, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008, đạt tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số.

Một điểm nhấn nổi bật khác là công tác quản lý và sử dụng Quỹ BHYT được thực hiện hiệu quả, khi đã cân đối thu - chi, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. Công tác giám định, thanh tra, kiểm tra đã có những thay đổi cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý và sử dụng Quỹ BHYT. BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ban ngành tại địa phương thực hiện các giải pháp đồng bộ chống lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

Đồng thời, ngành BHXH Việt Nam cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, từ đó tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.

“Tấm thẻ BHYT trở thành một phần không thể thiếu trong giấy tờ tùy thân của hầu hết người dân, nhất là với người dân vùng sâu, vùng xa... Đây chính là minh chứng thành công của công tác truyền thông, khi chính sách BHYT, ý nghĩa của việc tham gia BHYT “thấm” vào nhận thức, đời sống của mỗi người dân. Tính tuân thủ pháp luật BHYT ngày càng tốt, người dân tin tưởng và hài lòng khi sử dụng thẻ BHYT, thể hiện chính sách BHYT đã thực sự đi vào đời sống...” - Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khẳng định.

Đưa chính sách bảo hiểm y tế đi vào chiều sâu

Bên cạnh những thành tựu đạt được, thực tiễn cho thấy còn không ít khó khăn, bất cập và hạn chế trong thực hiện chính sách BHYT. Điển hình là, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT của một số địa phương chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT nói chung và công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT nói riêng; nhiều địa phương chưa bố trí nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng; kinh phí khám, chữa bệnh BHYT tại một số cơ sở khám, chữa bệnh chưa được sử dụng hiệu quả, tiết kiệm…

Những kết quả qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38 của Ban Bí thư đã khẳng định đóng góp của chính sách BHYT trong đảm bảo an sinh xã hội và công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Quỹ BHYT đã trở thành nguồn tài chính quan trọng góp phần chăm lo sức khỏe cho người dân, mang lại chất lượng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai

Để sớm đạt mục tiêu BHYT toàn dân, nhất là đưa chính sách BHYT đi vào chiều sâu, thực sự là trụ cột an sinh xã hội vững chắc, ông Vũ Thanh Mai- Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Chỉ thị số 38 - đề nghị ngành BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo các cấp triển khai, quán triệt để mỗi người dân, doanh nghiệp, hộ gia đình nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa của chính sách BHYT; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định, chính sách BHYT.

Cùng với đó, ngành BHXH cần phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT; nâng cao tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn kinh phí KCB BHYT; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHYT, phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ bao phủ 95%; đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tham gia BHYT.

Ông Vũ Thanh Mai cũng đề nghị BHXH Việt Nam nghiên cứu, đề xuất với các cấp, các ngành sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện chính sách, pháp luật BHYT; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát huy kết quả ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý nhằm ngăn ngừa lạm dụng, lãng phí nguồn quỹ, đảm bảo sử dụng hiệu quả và cân đối thu - chi quỹ…

Đánh giá cao thành tựu ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của BHXH Việt Nam, nhất là hiệu quả công tác giám định BHYT và triển khai thẻ BHYT điện tử, bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cũng bày tỏ kỳ vọng công tác giám định sẽ là công cụ chủ lực trong cân đối Quỹ BHYT, đảm bảo nguồn lực được sử dụng hiệu quả. “Hệ dữ liệu mà BHXH Việt Nam đang có thông qua hoạt động này cũng là thông tin, bằng chứng thực tế cho việc xây dựng chính sách phù hợp; đưa ra các giải pháp thực hiện chính sách có tính thuyết phục...”- bà Trang nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng, việc tiếp tục phát huy vai trò của BHYT trong đời sống xã hội một cách bền vững không chỉ là trách nhiệm của ngành BHXH mà cần cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền... để người dân nâng cao hơn nữa nhận thức, từ đó tự nguyện, tự giác tham gia BHYT…

Đ. KHOA