Chủ động rà soát, sửa đổi hệ thống pháp luật để thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP

Đối nội - Ngày đăng : 09:05, 06/11/2018

(BKTO) - Sáng 5/11, Quốc hội thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Cùng với việc nhìn nhận những cơ hội và thách thức khi tham gia CPTPP, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần chủ động, sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo thực thi Hiệp định có hiệu quả, phát huy hết các cơ hội, tránh các rủi ro.


Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí cao với Tờ trình của Chủ tịch nước về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện có liên quan; khẳng định việc ký kết và gia nhập cũng như phê chuẩn tại kỳ họp này của Quốc hội là một quyết định quan trọng, thể hiện sự chủ động trong hội nhập quốc tế, nâng cao nội lực trong nước, nâng cao khả năng ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới, nâng cao vị thế của nước ta.

Theo đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), ngoài những văn bản pháp luật Chính phủ đã đề nghị để sửa đổi và bổ sung, xây dựng cần phải xem xét một cách toàn diện hệ thống pháp luật hiện hành của chúng ta. Không nhất thiết phải 8 luật, 4 nghị định và 7 văn bản dự kiến sẽ xây dựng mới. Vấn đề quan trọng ở đây khi chúng ta sửa đổi Bộ luật Lao động thì phải sửa Luật Công đoàn. Vì Luật Công đoàn sẽ liên quan đến vấn đề các quan hệ lao động của tổ chức đại diện người lao động; vấn đề thương lượng tập thể, xử lý các quan hệ trong lao động Luật Công đoàn cũng phải được đưa ra xem xét để sửa đổi.

Mặt khác, Chính phủ cũng cần quan tâm, xem xét, ký kết 3 công ước hết sức quan trọng theo đề nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) gồm: Công ước 87 về quyền tự do hiệp hội và quyền được tổ chức; Công ước 98 về áp dụng những nguyên tắc, quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Công ước 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
                
   

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại phiên thảo luận- Ảnh: quochoi.vn

   
Cùng chung mối quan tâm, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) kiến nghị, trong việc sửa đổi Bộ luật Lao động, cần thiết lập những quy định thật sự thông minh, vừa đảm bảo cam kết của chúng ta với các đối tác nhưng vừa linh hoạt trong việc thực thi, tổ chức thực hiện, không để những tổ chức khác ra đời không vì lợi ích bảo vệ người lao động mà vì những động cơ chính trị, chống, phá nước ta và cũng không để những tổ chức khác ra đời do giới chủ thao túng, phá hoại Công đoàn Việt Nam và ảnh hưởng đến hoạt động của DN.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) cho rằng, một trong những thách thức với nước ta khi tham gia CPTPP đó là phải xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm Chính phủ, DNNN. Phải đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn cao, về minh bạch hóa, các quy định về bảo hộ, sở hữu trí tuệ, cũng như các cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.

Vì vậy, cần tiến hành nội luật hóa các quy định của Hiệp định CPTPP để tránh các vụ kiện của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Chính phủ và chính quyền địa phương, cần tuyên truyền cho các cấp chính quyền hiểu sâu về Hiệp định CPTPP, qua đó biết cách áp dụng pháp luật cho phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với các quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016; giữ nghiêm kỷ cương, xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn với nhà đầu tư. “Môi trường đầu tư không tốt thì Hiệp định CPTPP hay bất cứ hiệp định thương mại nào cũng không thể phát huy hiệu quả đối với nền kinh tế”- đại biểu Thưởng nói.

Giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, theo kết quả rà soát của Chính phủ, để thực hiện cam kết về lao động trong Hiệp định CPTPP thì Việt Nam chỉ cần sửa Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, Luật Công đoàn năm 2012 có những mối liên hệ nhất định đối với Bộ luật Lao động. Do đó, sau khi sửa đổi Bộ luật Lao động và được Quốc hội thông qua trong thời gian tới thì Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát và sẽ đề xuất sửa đổi Luật Công đoàn (nếu cần) còn cho đến hiện nay qua rà soát, Chính phủ thấy rằng không phải điều chỉnh trong Luật Công đoàn.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, qua quá trình rà soát 265 văn bản cho đến nay Chính phủ chỉ đề nghị bổ sung, sửa đổi 8 luật. Trong đó một luật đã được thông qua (Luật Tố cáo) Luật Phòng, chống tham nhũng hiện nay đang trình Quốc hội thông qua, với những điều khoản hiện nay đã đáp ứng được trong Hiệp định CPTPP. Ba luật gồm Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự sẽ sửa sau và đã có lộ trình trong đề xuất của Chính phủ. Còn 3 luật khác là Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật An toàn thực phẩm, Chính phủ đề xuất một luật sửa một số luật thì theo thủ tục rút gọn và có thể trình vào Kỳ họp thứ 7 tới đây của Quốc hội.

N. HỒNG