Ngăn chặn hiệu quả hành vi gian lận thuế giá trị gia tăng

Pháp luật - Ngày đăng : 09:56, 29/04/2024

(BKTO) - Thảo luận về Dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị cần có những quy định bảo đảm tính khả thi, minh bạch để phòng, chống các hành vi gian lận thuế, cũng như khắc phục bất cập trong công tác hoàn thuế GTGT...
25.jpg
Toàn cảnh Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Gian lận về thuế giá trị gia tăng rất lớn

Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chỉ rõ, trong thực tiễn, tình trạng gian lận thuế, trốn thuế còn khá phổ biến. “Việc này cần phải có đánh giá, có các quy định về điều cấm và các chế tài để xử lý hành vi vi phạm pháp luật về thuế để bổ sung vào Dự thảo Luật, bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện” - ông Thanh nhấn mạnh.

Theo ông Thanh, dù Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định điều cấm và các chế tài xử lý vi phạm nhưng thuế GTGT có đặc thù riêng. Do đó, cần phải có những quy định đặc biệt, đặc thù để chống gian lận về hóa đơn, chứng từ, vi phạm về thời gian nộp thuế, khấu trừ thuế, hoàn thuế, lừa đảo chiếm đoạt thuế hay khai khống hóa đơn thuế GTGT.

Đồng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, có thực trạng mua, bán hóa đơn lòng vòng, vi phạm về thời gian nộp thuế, khai khống hóa đơn thuế GTGT, lừa đảo chiếm đoạt thuế… Nhiều hành vi phát sinh từ thuế GTGT nên cần nghiên cứu, có quy định cụ thể hơn về hành vi bị cấm phù hợp trong Luật này.

Chia sẻ với các ý kiến trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Đúng là ngoài những quy định về điều cấm trong Luật Quản lý thuế đã có, do tính chất đặc thù của thuế GTGT mà có thể phát sinh nhiều dạng, nhiều hành vi vi phạm”. Vì vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, để có tác dụng răn đe, dễ cho vấn đề thực thi, cơ quan soạn thảo có thể nghiên cứu một điều luật về những hành vi cấm và chế tài xử phạt trong trường hợp chưa được cụ thể hóa trong Luật Quản lý thuế. Chẳng hạn như hành vi gian lận hóa đơn, chứng từ, vi phạm về thời gian nộp thuế, khấu trừ thuế, hoàn thuế, lừa đảo chiếm đoạt thuế, khai khống hóa đơn GTGT, thành lập cơ sở kinh doanh để bán hóa đơn giá trị gia tăng bất hợp pháp, chuyển giá…

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện trong Luật cũng đã quy định đối tượng nộp thuế chịu trách nhiệm về hồ sơ, chứng từ, thông tin... Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu thể hiện quy định này rõ hơn, cụ thể hơn.

Giai đoạn vừa qua, gian lận về thuế GTGT rất lớn. Cho nên, cần quy định chặt và minh bạch để vừa bảo vệ người nộp thuế chân chính, nhưng cũng bảo vệ cho những cán bộ thuế thu một cách chân chính.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Minh bạch quy trình hoàn thuế

Liên quan đến quy định về hoàn thuế GTGT, Dự thảo Luật bổ sung một số quy định về hoàn thuế để minh bạch chính sách, phù hợp với thực tế phát sinh và tránh vướng mắc trong thực hiện. Đáng chú ý, Dự thảo quy định, cơ sở kinh doanh sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên sau 12 tháng hoặc 4 quý thì được hoàn thuế GTGT. Đồng thời, Dự thảo quy định rõ: Để tránh vướng mắc trong thực hiện về hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư; hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; không hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh...

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao Dự thảo Luật đã bỏ quy định “Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế được hoàn thuế giá trị gia tăng khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách…”. Theo ông Tùng, đây là nội dung đã được rà soát và được ghi nhận là có vướng mắc, bất cập. Trong thực tiễn, một số doanh nghiệp đã lợi dụng quy định này để lập hồ sơ xin hoàn thuế, do đó, việc bỏ quy định này sẽ khắc phục được sơ hở, bất cập.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, việc hoàn thuế đặt ra yêu cầu vừa phải tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp về dòng tiền nhưng cần quản lý chặt chẽ để phòng, chống gian lận về thuế. Theo đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, ông Cường đề nghị nghiên cứu quy định cho phép cơ sở sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế suất 5% được hoàn thuế GTGT khi có lũy kế số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết từ 12 tháng hoặc 4 quý, không nên quy định “cứng” hạn mức thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết 300 triệu đồng trở lên mới được hoàn thuế như trong Dự thảo Luật. “Thực tế đối với những cơ sở sản xuất những mặt hàng chịu thuế suất 5% có thể sử dụng rất nhiều đầu vào với thuế suất 10%. Như vậy, với những cơ sở kinh doanh này sẽ thường xuyên xảy ra việc không khấu trừ hết thuế GTGT đầu vào. Việc quy định hạn mức 300 triệu đồng trở lên mới được hoàn thuế sẽ gây khó khăn về dòng tiền cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và hợp tác xã” - ông Cường lý giải.

Cũng theo ông Cường, để việc hoàn thuế GTGT kịp thời, minh bạch thì quy trình, thủ tục hồ sơ hoàn thuế là một yếu tố rất quan trọng; trong đó, công tác hậu kiểm, đối với hồ sơ hoàn thuế cần được chú trọng. Tuy nhiên, Dự thảo Luật chưa quy định về trình tự, thủ tục hoàn thuế, cũng chưa giao cụ thể cho Chính phủ hướng dẫn trình tự, thủ tục này. Ông Cường đề nghị, trường hợp giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục thì cần nghiên cứu quy định trong Luật các nguyên tắc chung về trình tự, thủ tục hoàn thuế, lưu ý áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ thuế./.

Đ. KHOA