Tiền Giang phấn đấu đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp
Địa phương - Ngày đăng : 11:59, 29/04/2024
Quy hoạch cũng đưa ra mục tiêu Tiền Giang là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ.
Mục tiêu tốc độ phát triển kinh tế đạt 7-8% giai đoạn 2021-2030
Trong giai đoạn 2021 - 2030, Tiền Giang đặt ra mục tiêu cụ thể:
Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt khoảng 7- 8%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 142 - 155 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 645.000 - 685.000 tỷ đồng; tỷ trọng trong GRDP của ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 41,5 - 43,5% (trong đó: công nghiệp chiếm khoảng 35,5-37,5%); ngành dịch vụ chiếm khoảng 29,5 - 30%; ngành nông, lâm, thủy sản khoảng 21,5 - 23,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 5,5%; năng suất lao động xã hội tăng bình quân 9 - 10%/năm; tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 9 - 10%/năm.
Đến năm 2030, cân đối được thu chi từ ngân sách địa phương; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 12 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 5,5 tỷ USD.
Về xã hội: Tốc độ tăng dân số bình quân đạt 0,7%/năm; tuổi thọ bình quân 76,5; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 0,1 - 0,2 điểm % mỗi năm.
Về tài nguyên và môi trường: Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 1,57%. Tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung phấn đấu đạt 100%.
Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn phấn đấu đạt 90%; tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn phấn đấu đạt trên 50% đối với các đô thị loại II; phấn đấu đạt trên 20% đối với các đô thị còn lại.
Tỷ lệ nước thải y tế được thu gom và xử lý đạt 100%. Phấn đấu xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung cho 3 khu đô thị gồm: thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và thị xã Cai Lậy; 100% các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Tỷ lệ cụm công nghiệp đầu tư mới có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp tập trung đạt 100%, các cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc các doanh nghiệp thứ cấp trong các cụm công nghiệp có giải pháp xử lý nước thải đảm bảo theo quy định.
Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường trên 95%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định đạt 100%. Tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý, tiêu hủy, chôn lấp an toàn sau xử lý, tiêu hủy đạt 100%.
Về phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng: Tỷ lệ đô thị hóa (tính theo khu vực toàn đô thị) đến năm 2025 đạt khoảng 40 - 42%; đến năm 2030 là khoảng 45 - 47%; tỷ lệ đô thị hóa (tính theo khu vực nội thành, nội thị, thị trấn), đến năm 2025 đạt khoảng 20 - 23%, đến năm 2030 đạt trên 25%; phấn đấu 100% đô thị loại V trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị.
Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt tối thiểu 16%; hạ tầng các khu đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 35,3 m2/người, nông thôn đạt 36,9 m2/người. Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt tối thiểu 8 m2.
Về quốc phòng, an ninh: Bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, đảm bảo cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Phát triển kinh tế theo hướng 9 vùng và 3 tâm
Cũng theo Quy hoạch, tầm nhìn đến năm 20250, Tiền Giang xác định phát triển theo hướng 9 vùng và 3 tâm. Cụ thể:
Xác định 9 vùng công năng tương ứng với những chiến lược phát triển kinh tế và không gian khác nhau gồm: Vùng đô thị trung tâm, Vùng đô thị vườn, Vùng sinh thái công nghiệp Tân Phước, Vùng sinh thái bảo tồn thiên nhiên Đồng Tháp Mười, Vùng sinh thái nông nghiệp Đồng Tháp Mười, Vùng đô thị du lịch sinh thái ven sông Tiền, Vùng Gò Công Tây, Vùng đô thị Gò Công, Vùng kinh tế biển.
Ba tâm phát triển gồm: Trung tâm đô thị chính, gồm: thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành và huyện Chợ Gạo. Là trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch đô thị lịch sử, là đô thị vệ tinh cửa ngõ vùng TP. Hồ Chí Minh.
Trung tâm kinh tế biển Gò Công gồm: Thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông, phát triển đô thị biển, du lịch và năng lượng.
Trung tâm công nghiệp lớn ở huyện Tân Phước, phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại dịch vụ, kinh doanh nông nghiệp, chế biến nông sản.
Theo Quy hoạch, tầm nhìn đến năm 2050, Tiền Giang trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có trình độ phát triển khá của cả nước, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; trở thành nơi đáng sống, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.