Tháng Tư, ngược dòng Tây Đô giữa sắc đỏ cờ hoa
Emagazine - Ngày đăng : 12:29, 30/04/2024
Ít ai biết rằng chính nơi đây, Đảng bộ, quân, dân thành phố đã trải qua những ngày khói lửa đau thương. Song với lòng yêu nước, tinh thần quật cường, tất cả đã chung ý chí đấu tranh chiến thắng thực dân Pháp, đánh đuổi đế quốc Mỹ, giải phóng Cần Thơ, góp chung vào mạch nguồn giải phóng miền Nam, thống nhất non sông cách đây 49 năm về trước.
Đặt chân trên mảnh đất Tây Đô những ngày tháng Tư lịch sử, trong không gian rợp sắc cờ hoa và không khí tấp nập, chúng tôi như được sống chung trong niềm tự hào của người dân nơi đây.
Như đã thành truyền thống, trong những ngày tháng Tư lịch sử, Ban liên lạc truyền thống cựu chiến binh Sư đoàn 4 có dịp gặp lại, cùng nhắc nhở kỷ niệm một thời chiến đấu oanh liệt với tinh thần kiên trung vì mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong ký ức của các cựu chiến binh Sư đoàn 4 – đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng Cần Thơ khi ấy, những ngày khói lửa vẫn in sâu trong tâm trí mỗi người ở lại.
Nhớ lại hồi đó, Thiếu tướng Lê Xã Hội - nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 9 - cho biết, Cần Thơ là trung tâm kinh tế, chính trị và quân sự vùng Tây Nam Bộ, địch bố trí Vùng 4 chiến thuật cùng các căn cứ quân sự, hậu cần... bảo đảm chỉ huy và tăng cường toàn vùng ĐBSCL; đồng thời, có thể chi viện cho Sài Gòn hoặc co cụm cố thủ nếu Sài Gòn thất thủ.
Địch chọn Cần Thơ là trọng điểm bình định đánh phá ác liệt, nhất là sau tổng tấn công 1968, vào những năm 1969-1971, chúng huy động một lực lượng lớn quân chủ lực, bảo an, dân vệ và các loại máy bay, xe tăng, đại bác… dội bom, pháo bầy, B52 rải thảm, chất độc hóa học, phát quang vùng nông thôn giải phóng của ta, đi đôi chiêu dụ hàng, hòng tách dân ra khỏi Đảng nhằm “tát nước bắt cá”, tiện bề tiêu diệt cách mạng.
Xác định nhiệm vụ chống giặc là lâu dài, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bàn bạc tìm địa điểm xây dựng trung tâm chỉ huy, căn cứ để chỉ đạo phong trào cách mạng trong tỉnh tấn công làm thất bại âm mưu bình định của địch.
Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ được khởi công xây dựng vào đầu tháng 02/1972, tại ấp Phương Quới B, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp. Từ căn cứ này, Tỉnh ủy Cần Thơ lãnh đạo quân dân tỉnh nhà đánh địch bằng 3 mũi giáp công, giành quyền làm chủ, mở rộng vùng giải phóng, tạo thế và lực mới cho tỉnh nhà.
Ký ức hào hùng về cuộc kháng chiến trường kỳ trên mảnh đất Tây Đô cũng được cán bộ Bảo tàng Cần Thơ thông tin thêm với chúng tôi. Trong kho tư liệu ngồn ngộn về cuộc kháng chiến vệ quốc tại đây, ai cũng có thể bắt gặp những trận chiến, những tấm gương anh hùng, cả những sự hy sinh để đổi lấy nền độc lập tự do của bao thế hệ cha ông.
Xuyên suốt những năm tháng gian khổ mà hào hùng của cuộc chiến vệ quốc, quân dân Cần Thơ đã chiến đấu, hy sinh để làm nên nhiều chiến công hiển hách. Trong đó, phải kể đến cuộc nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Bất chấp sự tham chiến của các đơn vị không quân và pháo binh hiện đại của địch, lực lượng ta vẫn kiên cường bám trụ chiến đấu. Trong tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Cần Thơ đã loại khỏi vòng chiến 25.000 tên địch, thu 600 súng các loại, diệt và bức rút 56 đồn, bắn rơi và phá hủy hàng chục máy bay, giải phóng 4 xã và nhiều ấp. Cuộc tổng tiến công đã giáng một đòn quyết định làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và chấp nhận đàm phán.
Tiếp đó, trong 2 năm 1973-1974, với 3 mũi giáp công và 3 thứ quân, quân dân Cần Thơ đã giành được những thắng lợi to lớn, tạo tiền đề để giải phóng hoàn toàn tỉnh Cần Thơ.
Ngày 28/4/1975, tòa lãnh sự Mỹ ở Cần Thơ rút chạy, nguỵ quân ngụy quyền hoang mang cao độ. Suốt ngày đêm 28-29/4/1975, bộ đội chủ lực ta hành quân vượt qua các phòng tuyến tiến vào thành phố.
10h30 ngày 30/4/1975, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng ở Sài Gòn, ở các địa phương của tỉnh Cần Thơ, nhân dân nổi dậy cướp chính quyền. Cùng với các lực lượng chủ lực tiến vào giải phóng Cần Thơ, cho đến ngày 04/5/1975, tỉnh Cần Thơ được giải phóng hoàn toàn, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Câu chuyện của gần 50 năm về trước như được tái hiện rõ trước mắt chúng tôi qua những dấu tích còn để lại, như Lộ Vòng Cung – di tích quốc gia nằm ven sông Cần Thơ. Đây từng là địa điểm chuyển quân, trạm quân y tiền phương và nơi cất giấu vũ khí giúp quân và dân ta kiên cường bám trụ chiến đấu, giữ vững vùng căn cứ cách mạng để làm bàn đạp tiến công giải phóng TP. Cần Thơ năm 1975.
Một chứng tích khác là khu di tích Giàn Gừa (huyện Phong Điền) - địa điểm mở các lớp huấn luyện, đào tạo biệt đội mật, bổ sung thêm lực lượng vũ trang tấn công vào nội ô. Trong cuộc tổng tiến công năm Mậu Thân 1968, Giàn Gừa là nơi cất giấu vũ khí, đạn dược và cũng là nơi hội họp triển khai các kế hoạch, góp phần làm nên thành công cho cuộc kháng chiến…
Theo dòng Cần Thơ, qua tuyến Lộ Vòng Cung, chúng tôi đến với huyện Phong Điền - nơi được mệnh danh là tuyến lửa một thời của miền đất cực Tây Nam Bộ, nơi gắn với những danh nhân, anh hùng cách mạng Đinh Sâm - Người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp đầu tiên ở Cần Thơ, Nhà thơ Phan Văn Trị và Lê Quang Chiểu - những sĩ phu yêu nước dùng thơ để đánh giặc Pháp và bọn tay sai…
Từ cái nôi cách mạng, mảnh đất đau thương năm xưa nay đã chuyển mình, trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của TP. Cần Thơ và đang trở thành thị xã của Thành phố. Mảnh đất cách mạng năm xưa đã “rũ bùn đứng dậy sáng lóa”, là biểu tượng cho sức sống, ý chí cách mạng quật cường của Đảng bộ, cùng quân dân đất Tây Đô!
Có thể nói, sau 49 năm, kể từ ngày Cần Thơ được giải phóng, cùng với cả nước, mảnh đất Tây Đô đã vươn mình trỗi dậy, làm nên những bước phát triển diệu kỳ, nhất là sau 20 năm Cần Thơ chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở chia tách từ tỉnh Cần Thơ thành tỉnh Hậu Giang và TP. Cần Thơ (từ ngày 01/01/2004).
Như lời Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu khi thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Kiểm toán nhà nước (KTNN) mới đây: Mảnh đất Tây Đô đã chuyển mình mạnh mẽ, như tinh thần cách mạng năm xưa.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố luôn đạt mức khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo, chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh từng bước được cải thiện.
Năm 2023, Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thông qua, trong đó xác định mục tiêu hướng tới là đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL. Cần Thơ là một trong các đô thị trọng điểm thực hiện “Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu”…
Thông qua việc khai thác, phát huy nhiều nguồn lực, Thành phố tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để trở thành đầu mối quan trọng về giao thông vận tải vùng và liên vận quốc tế, từng bước khẳng định vai trò, vị trí của thành phố trung tâm vùng ĐBSCL.
Một dấu ấn đọng lại trong chúng tôi về mảnh đất Tây đô hôm nay, đó là đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, ở mức thấp nhất vùng ĐBSCL và thấp hơn mức trung bình cả nước; an sinh xã hội được bảo đảm.
“Thành phố luôn quan tâm xây dựng người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch” để phát huy mạnh mẽ nhân tố con người trong xây dựng, phát triển thành phố” - Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho biết.
Những đóng góp ngày càng to lớn của mảnh đất Tây Đô được thể hiện qua từng con số “biết nói” mà Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Lê Thanh Tâm chia sẻ với chúng tôi.
Mỗi năm, thành phố Cần Thơ đóng góp khoảng 1,2% GDP cả nước và khoảng 9,5% GRDP của vùng ĐBSCL. Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP/người) ngày càng tăng; việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tăng đáng kể.
Hay cuối năm vừa qua, Thành phố đã ký kết và trao hơn 40 chủ trương đầu tư, biên bản ghi nhớ cho 20 dự án, với tổng vốn khoảng 110.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2023 - 2025…
Trong số này, có các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp ở huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Ô Môn, Cái Răng... với tổng diện tích khoảng 3.000 ha, tổng vốn đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng; khu phức hợp thể thao, vui chơi, giải trí... 1,4 tỷ USD; nhà máy điện sinh khối 6.000 tỷ đồng; các dự án xử lý nước thải, rác thải 7.000 tỷ đồng...
Một cái được khác ở thành phố cực Tây này, đó là dù chú trọng phát triển kinh tế - xã hội song Cần Thơ cũng luôn quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Từ đó, Thành phố đã tập trung quy hoạch, huy động các nguồn lực để triển khai phát triển các lĩnh vực theo hướng xanh, trong đó có ngành “công nghiệp không khói”.
“Hiện Thành phố có nhiều đến điểm đến như: chợ nổi trên sông, du lịch sinh thái nhà vườn hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế…” - Bà Đào Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố cho biết.
Theo Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu, trong giai đoạn phát triển mới, Thành phố đặt mục tiêu xây dựng và phát triển Cần Thơ thành “thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước”; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; đẩy mạnh công nghiệp hóa, từ đó tăng tốc đô thị hóa, tạo nền tảng vật chất để từng bước hiện đại hóa thành phố.
Thành phố Cần Thơ đứng trước yêu cầu vươn lên trở thành “trung tâm phát triển vùng có dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, du lịch, công nghiệp chế biến hiện đại”, hay đơn cử như trong nông nghiệp, thì đó là “nền nông nghiệp công nghệ cao, đi đầu trong cung ứng nguồn giống cho vùng” - Bí thư Thành ủy nêu dự định.
Mục tiêu lớn, kỳ vọng lớn đòi hỏi trách nhiệm phải cao hơn. Đó là yêu cầu tất yếu. Vì thế, người đứng đầu Đảng bộ Thành phố cho rằng, giai đoạn phát triển mới cần có sự thống nhất cao trong nhận thức từ Trung ương đến địa phương, từ cộng đồng doanh nghiệp đến người dân về tầm nhìn mới, tư duy mới đối với những giải pháp đột phá để Thành phố bứt phá.
Những kết quả đạt được của Thành phố hôm nay chính là sự nỗ lực, quyết tâm, đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang, nhân dân trên địa bàn. Với những nỗ lực đó, hy vọng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố sẽ sớm được hiện thực hóa. KTNN sẽ tiếp tục đồng hành, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Thành phố.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn
Với vai trò là cơ quan kiểm tra tài chính công, tài sản công, KTNN sẽ đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển của Thành phố.
Trực tiếp tham gia ký kết Quy chế phối hợp với KTNN, đại diện Thường trực HĐND, UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Việt Trường cho biết: “KTNN đã tư vấn giúp Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố hoàn thiện hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công” - ông Trường đánh giá.
Với ý nghĩa đó, Thành phố mong KTNN góp ý cho các địa phương những cách làm hay, hiệu quả trong hoạt động kiểm tra, giám sát, quản lý và điều hành ngân sách địa phương; tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về chuyên ngành tài chính ngân sách cho đội ngũ cán bộ các cấp, đảm bảo quá trình vận hành tài chính ngân sách đạt hiệu quả cao.
“Thường trực HĐND, UBND Thành phố tiếp tục tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ với KTNN, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, chất lượng công tác quản lý, điều hành, giám sát ngân sách địa phương” – ông Trường cho biết.
Chúng tôi rời mảnh đất Tây đô trong trận mưa “vàng” giúp giảm nhiệt những ngày nắng gắt. Thế nhưng sau cơn mưa tưởng như xoa dịu mọi khô hạn, bỏng rát của cỏ cây, vạn vật, Cần Thơ lại tiếp tục hứng chịu những ngày nắng nóng.
Sự khắc nghiệt của thời tiết như một chỉ báo, trên hành trình vươn tới những tầm cao mới, Cần Thơ sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, bắt đầu từ tự nhiên với trở ngại vô hình mà khốc liệt: Biến đổi khí hậu và bao lực cản khác đặt ra từ thực tiễn.
Nhưng chúng tôi tin rằng, với truyền thống anh hùng cách mạng, với nghị lực, tự cường và sự đồng hành của các cơ quan, trong đó có KTNN, Cần Thơ sẽ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới để thực sự trở thành đô thị hạt nhân của vùng và là cực tăng trưởng của ĐBSCL.
Cần Thơ đặt mục tiêu đến năm 2030 là cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL, là trung tâm đô thị, dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… của vùng.
Theo đó, Thành phố phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân từ 7,5-8%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 220 triệu đồng. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%...
Thực hiện: Nguyễn Lộc - Anh Tuấn