Bảo vệ, hỗ trợ người lao động bằng những chính sách, hành động cụ thể

Xã hội - Ngày đăng : 23:04, 30/04/2024

(BKTO) - Giải quyết kịp thời việc làm, thu nhập và các chính sách an sinh, an toàn cho người lao động (NLĐ) không chỉ giúp kinh tế - xã hội phát triển bền vững, mà còn lấp đầy những khoảng trống trong quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
31-.jpg
Người lao động được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận việc làm tốt, phù hợp với trình độ. Ảnh minh họa

Giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động

Theo Khảo sát Thị trường tuyển dụng giai đoạn 2023-2024 của JobsGO, kế hoạch tuyển dụng năm 2024 của các doanh nghiệp có xu hướng tăng. Theo đó, 39,6% doanh nghiệp dự định tuyển thêm từ 10-30% nhân sự, và có 31,6% dự định tuyển thêm dưới 10% nhân sự. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, quý I/2024, thị trường lao động trong nước khởi sắc với 51,3 triệu người có việc làm, tăng 174,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Thực tế, ngay sau kỳ nghỉ Tết, các địa phương trên cả nước đã quan tâm hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, tạo điều kiện thuận lợi để NLĐ tiếp cận được việc làm tốt, phù hợp với trình độ.

Tiêu biểu như, 3 tháng đầu năm, TP. Hồ Chí Minh đã giải quyết việc làm cho 80.925 lao động, tăng 1,27% so với cùng kỳ năm 2023. TP. Hà Nội cũng đã giải quyết việc làm cho hơn 45.600 người, đạt 27,6% kế hoạch năm, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2023. Các địa phương khác, như: Thanh Hóa đã giải quyết việc làm cho khoảng 9.360 lao động; Thái Bình có hơn 7.700 lao động có việc làm mới; Tuyên Quang ước tính tạo việc làm cho 5.920 lao động; Vĩnh Phúc ước giải quyết việc làm cho 6.148 lao động...

Thu nhập bình quân tháng của NLĐ tiếp tục được cải thiện với mức 7,6 triệu đồng trong quý I/2024, tăng 301.000 đồng so với quý trước và tăng 549.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân khá, như: Kinh doanh bất động sản; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Để giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, thời gian qua, các địa phương tích cực đẩy mạnh tổ chức các phiên giao dịch, tư vấn, giới thiệu việc làm; nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách lao động, an toàn lao động và đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ; nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống dịch vụ tư vấn việc làm theo quy định của pháp luật.

Chỉ trong quý I, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 54 phiên giao dịch việc làm với 1.715 đơn vị, doanh nghiệp tham gia. Tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là 28.336 người, có 11.513 NLĐ được phỏng vấn, 3.648 NLĐ được tuyển dụng tại phiên. Tương tự, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức 7 phiên, sàn giao dịch việc làm, tư vấn việc làm cho 27.584 lượt người, giới thiệu việc làm cho 2.550 lượt người; Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức 4 phiên giao dịch việc làm với tổng số 63 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, thu hút được 3.038 NLĐ...

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quanh Thành cho biết, ngay từ đầu năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan, địa phương trên địa bàn theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường lao động, nắm bắt kịp thời tình hình lao động, việc làm sau kỳ nghỉ Tết tại các doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp để có giải pháp thu hút lao động quay trở lại làm việc. Đồng thời, rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, tổ chức đào tạo phát triển kỹ năng lao động, và cung ứng kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Để ổn định, phát triển thị trường lao động trên địa bàn, việc kết nối cung - cầu lao động được đặc biệt chú trọng thông qua các phiên giao dịch việc làm kết nối giữa các tỉnh, thành phố, các trung tâm dịch vụ việc làm chủ động liên thông, chia sẻ dữ liệu. Qua đó, thị trường lao động các địa phương sẽ gần nhau hơn. Ngoài ra, hạ tầng giao thông kết nối cũng như phương tiện di chuyển giữa các địa phương thuận lợi, doanh nghiệp có chế độ an sinh tốt cũng thu hút NLĐ và cho phép NLĐ có thể đi làm tại nhiều địa bàn khác nhau.

Mở rộng các chính sách hỗ trợ, tăng quyền lợi cho người lao động

Vừa qua, Bộ Nội vụ đã thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng lương tối thiểu từ ngày 01/7/2024. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình, chỉ số giá tiêu dùng, năng suất lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp. Qua đó, từng bước đáp ứng nhu cầu chi phí sinh hoạt cơ bản của NLĐ, giảm tình trạng rút BHXH một lần, lao động bỏ việc chuyển sang khu vực kinh tế phi chính thức khiến doanh nghiệp khủng hoảng do thiếu lao động.

Đặc biệt, để thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Luật Việc làm với những sửa đổi bảo đảm nguyên tắc quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm và nơi làm việc; bình đẳng về cơ hội việc làm, điều kiện làm việc, tiền lương và thu nhập; bảo đảm làm việc trong điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động; bảo đảm tăng trưởng bền vững, tạo nhiều việc làm và giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương trên thị trường lao động.

Một trong những nội dung đáng quan tâm của Luật Việc làm (sửa đổi) là đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp và linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất mở rộng thêm ba nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự gắn với thị trường lao động, giải quyết tính trạng thất nghiệp và hỗ trợ một phần thu nhập, giúp người thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động thông qua chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Đồng thời, Dự thảo Luật đề xuất sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng NLĐ đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những NLĐ đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi dự kiến được thông qua trong năm 2024 cũng đang được thảo luận với nhiều thay đổi có lợi cho NLĐ. Theo đó, để NLĐ được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi đến tuổi nghỉ hưu, Dự thảo Luật đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần (điều kiện hưởng lương hưu giảm từ 20 năm xuống 15 năm).

Ngoài ra, NLĐ bị mất việc chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng, nhằm giải quyết khó khăn trước mắt cho NLĐ. Tất cả các chính sách này sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho NLĐ, giúp NLĐ vượt qua khó khăn, tính toán thật kỹ trước khi thực hiện rút BHXH một lần. Dự thảo cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH; đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH. Để đảm bảo quyền lợi của NLĐ, Dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho NLĐ nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ.

Luật BHXH sửa đổi cũng bổ sung quy định trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản trong chính sách BHXH... Rõ ràng, việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đang được thực hiện rất thận trọng, đảm bảo dung hòa lợi ích giữa chính sách và nguyện vọng của NLĐ, để NLĐ yên tâm gắn bó, góp phần ổn định tại đơn vị, thúc đẩy sản xuất phát triển, bảo đảm an ninh trật tự xã hội, góp phần phát triển đất nước phồn vinh./.

THÙY LÊ