Triển lãm "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt"
Chính trị - Ngày đăng : 07:31, 02/05/2024
Triển lãm là hoạt động thiết thực nhằm Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” do Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức.
Đến với Bảo tàng, du khách được nhìn lại 300 ảnh, tài liệu, hiện vật liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có nhiều hình ảnh, hiện vật mới được khai thác, sưu tầm và lần đầu tiên đưa ra triển lãm. Triển lãm được chia thành 3 phần: Phần I: Đường tới Điện Biên Phủ; Phần II: Điện Biên Phủ; Phần III: Hào khí Điện Biên.
Theo TS. Vũ Mạnh Hà - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, cách đây 70 năm, ngày 7/5/1954, sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” kiên cường chiến đấu, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự chỉ huy trực tiếp của vị Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ.
"Gần 2 tháng diễn ra chiến dịch với chiến thắng lịch sử khép lại 9 năm kháng chiến trường kỳ của dân tộc được tái hiện qua từng bức tranh, tài liệu như mang hơi thở của lịch sử tại Triển lãm" - ông Hà cho biết.
Triển lãm “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt” giới thiệu tới công chúng những dấu ấn đậm nét về trận quyết chiến chiến lược, bản anh hùng ca bất diệt - Điện Biên Phủ dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, sự cổ vũ ủng hộ của bạn bè quốc tế và ý chí quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Đường tới Điện Biên Phủ và Trận Quyết chiến chiến lược
Ngày 23/9/1945, chỉ 21 ngày sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, thực dân Pháp đã nổ súng gây hấn ở Nam Bộ, tiến hành xâm lược nước ta một lần nữa. Dù đã thiện chí nhân nhượng để cứu vãn hòa bình nhưng “càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới”. Trước tình thế đó, ngày 19/12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã đồng loạt bước vào cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh” chống thực dân Pháp xâm lược.
Để bảo toàn, phát triển lực lượng và tổ chức kháng chiến lâu dài, quân và dân ta đã rút khỏi Hà Nội rời lên chiến khu Việt Bắc. Dưới sự chỉ đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân ta đã chuyển dần từ thế bị động phòng ngự sang chủ động tiến công, lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của Pháp, không ngừng mở rộng vùng giải phóng.
Từ Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông (1947), chiến dịch Biên giới (1950) đến Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, quân ta không ngừng phát triển thế tiến công, buộc Pháp phải chấp nhận chọn Điện Biên Phủ làm điểm tổ chức trận quyết chiến lược kết thúc chiến tranh.
Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo, cách Hà Nội 500km về phía Tây Bắc. Giữa thung lũng là cánh đồng Mường Thanh rộng lớn được tạo nên từ phù sa sông Nậm Rốm. Bao quanh thung lũng là rừng cây, đồi núi trập trùng.
Ban đầu, Điện Biên Phủ không được đề cập trong Kế hoạch của Na-va. Ngày 20/11/1953, sau khi biết tin bộ đội chủ lực Đại đoàn 316 của Việt Nam đang hành quân lên Tây Bắc, Na-va vội vã cho tổ chức cuộc hành binh Cát-tơ, điều quân nhảy dù chiếm đóng lòng chảo Mường Thanh, thiết lập tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương với nhiều trang thiết bị vũ khí hiện đại, chấp nhận giao chiến với bộ đội Việt Nam tại Điện Biên Phủ.
Nhận thấy trận Điện Biên Phủ là cơ hội đánh tiêu diệt lớn, tạo chiến thắng vang dội để chấm dứt kháng chiến trường kỳ, quân ta đã chấp nhận thách thức của quân Pháp. Trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ giữa bộ đội chủ lực Việt Nam và quân đội Liên hiệp Pháp diễn ra trong 56 ngày đêm, từ ngày 13/3 - 7/5/1954. Kết thúc trận chiến, “con nhím” Điện Biên - “pháo đài không thể công phá” của Na-va đã trở thành tử huyệt chôn vùi dã tâm xâm lược của thực dân Pháp.
Hào khí Điện Biên
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, trực tiếp dẫn đến việc ký Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, mở ra trang sử mới cho cách mạng Việt Nam, đồng thời báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.
Đây là một trong những mốc son chói lọi, được ghi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa trong thời đại Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là thắng lợi chung của các dân tộc bị xâm lược và bị áp bức trên toàn thế giới.
Phát huy hào khí chiến thắng Điện Biên Phủ, nhân dân ta đã chiến đấu và chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt nam, mở ra bước ngoặt cho nhân dân ta tiến tới Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trên phương diện quốc tế, Điện Biên Phủ đã trở thành ngọn cờ thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc ở Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, cổ vũ nhân dân các nước thuộc địa vùng dậy đấu tranh chống xâm lược, giành độc lập tự do.
Chỉ 10 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đã có 17/22 nước thuộc địa của Pháp giành độc lập. Riêng ở Châu Phi năm 1960 có tới 17 quốc gia tuyên bố độc lập và lịch sử đã gọi sự kiện này là “Năm Châu Phi”.
TS. Vũ Mạnh Hà - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết, thông qua triển lãm “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt”, công chúng hiểu rõ hơn về ý nghĩa tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ; khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến quyết thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
“Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn sức mạnh to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc” - TS. Vũ Mạnh Hà cho biết.
Triển lãm được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đến tháng 10/2024.