Đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024

Kinh tế - Ngày đăng : 20:43, 02/05/2024

(BKTO) - Bộ Tài chính vừa có Tờ trình gửi Quốc hội về kết quả thực hiện việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội (Nghị quyết số 110).
lp120240425200443.9689730.jpg
Nếu tiếp tục giảm 2% thuế GTGT cho 6 tháng cuối năm thì dự kiến cả năm 2024 giảm thu thuế này khoảng 47,488 nghìn tỷ đồng. Ảnh: ST

Từ năm 2020 - 2023 hỗ trợ tài khóa khoảng 700 nghìn tỷ đồng

Theo Bộ Tài chính, dịch Covid-19 xảy ra đã gây hậu quả nặng nề và kéo dài, tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội nước ta.

Giai đoạn 2020 - 2023, tổng trị giá của các giải pháp miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, phí, lệ phí và tiền thuê đất) đã lên đến khoảng 700 nghìn tỷ đồng.

Dự kiến những giải pháp đã ban hành và thực hiện từ đầu năm 2024 là khoảng 68 nghìn tỷ đồng.

Việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về chính sách tài chính đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Đó là một trong những tác động khiến tốc độ tăng trưởng GDP; chỉ số giá tiêu dùng (CPI); tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa; tổng thu ngân sách nhà nước trong 3 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng tích cực.

Mặc dù vậy, sau thời gian dài chống chịu với dịch Covid-19, doanh nghiệp trong nước đang trong quá trình phục hồi nên hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 86,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 21,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Trong khi đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với mục tiêu đề ra là tốc độ tăng trưởng GDP đạt từ 6 - 6,5%.

Các tổ chức tài chính, kinh tế toàn cầu mới đây (IMF, ADB, AMRO…) đều nhận định lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 so với các nước trong khu vực: Ngân hàng ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 ở mức 6%; IMF dự báo GDP năm 2024 của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 5,8%.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự báo; sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu...

Ở trong nước, mặc dù nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục xu hướng phục hồi và có triển vọng tích cực; nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã và đang phát huy hiệu quả nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Do vậy, cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra cho năm 2024, cần thực hiện chính sách tài khóa làm chủ lực, “mở rộng, có trọng tâm”, trong đó có việc cân nhắc tiếp tục giảm thuế GTGT đến hết năm 2024.

canvanluc2-1695118945-6911-1695127293.jpg
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia.

Dự kiến giảm thu cả năm hơn 47,4 nghìn tỷ đồng thuế GTGT

Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, nước ta cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành trong năm 2023 và đề xuất một số giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho năm 2024.

Theo Bộ Tài chính, việc tiếp tục giảm thuế GTGT 2%; gia hạn thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân cần được xem xét; đồng thời giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí và giảm tiền thuê đất như đã áp dụng trong năm 2023 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế GTGT 2% đang được thực hiện, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024 (từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024) và giao Chính phủ tổ chức, thực hiện.

Bộ Tài chính cho biết, việc áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT cho 6 tháng cuối năm 2024 giảm thu khoảng 24 nghìn tỷ đồng. Cụ thể: giảm khoảng 4 nghìn tỷ đồng/tháng trong đó giảm ở khâu nội địa dự kiến là 2,5 nghìn tỷ đồng/tháng và giảm ở khâu nhập khẩu khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/tháng.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, số thuế GTGT được giảm theo Nghị quyết số 110 khoảng 11,488 nghìn tỷ đồng. Ngoại trừ tháng 2 có kỳ nghỉ Tết, bình quân tháng 1 và tháng 3 số thuế GTGT ở khâu nhập khẩu giảm vào khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/tháng và dự kiến khâu nội địa khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng/tháng.

Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2024, dự kiến số thu thuế GTGT giảm khoảng 23,488 nghìn tỷ đồng. Nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế GTGT cho 6 tháng cuối năm thì dự kiến cả năm 2024 giảm thu thuế này khoảng 47,488 nghìn tỷ đồng./.

THÙY ANH