Bộ Công an: Hoạt động tấn công mạng có mức xử phạt chưa tương xứng

Xã hội - Ngày đăng : 15:47, 04/05/2024

Ngày 4/5, Bộ Tư pháp công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng...
4.5-bca.jpeg
Ảnh minh họa

Cơ quan soạn thảo là Bộ Công an đã cung cấp nhiều thông tin về tình hình an nninh mạng vẫn diễn biến phức tạp.

Theo Bộ Công an, hệ thống mạng thông tin Việt Nam tiếp tục đối mặt với hoạt động tấn công mạng, một số vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, để lại hậu quả lớn. Đối với hành vi chưa tới mức xử lý hình sự, mức xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe vì lợi nhuận cao hơn rất nhiều lần với mức xử phạt.

Tình trạng lộ thông tin nhạy cảm, thông tin bí mật nhà nước diễn ra thường xuyên, nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng. Mặc dù năm nào cũng tổ chức kiểm tra, xử lý nhưng do không có chế tài đủ sức răn đe nên hành vi này vẫn tiếp tục diễn ra.

Hoạt động phát tán thông tin xấu, độc vẫn diễn ra

Bộ Công an cho biết, mạng xã hội là nơi thường xuyên diễn ra tình trạng đăng tải thông tin xấu độc, sai sự thật.Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đã có 455 mạng xã hội trong nước được cấp phép hoạt động. Một số mạng xã hội bộc lộ nhiều hạn chế trong quản lý, bảo mật, kiểm duyệt, kiểm soát thông tin công cộng, để cho người dùng đăng tải thông tin có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Hiện có khoảng 200 trang thông tin điện tử không phép, đăng ký “ẩn danh”, máy chủ đặt tại nước ngoài hoạt động như tờ báo tư nhân trá hình, mạo danh các cơ quan, tổ chức trong nước đăng tải thông tin không chính thống từ nhiều nguồn, tin giả, tin sai sự thật.

Nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội có lượng thành viên lớn, đăng các bài viết bịa đặt, bình luận tiêu cực về các vấn đề chính trị, xã hội, sự kiện “nóng” trong nước, vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc tin tức “giật gân”.

Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn nước ngoài né tránh thực hiện các quy định pháp luật về an ninh mạng, đáp ứng hạn chế các yêu cầu từ phía cơ quan chức năng Việt Nam, trong một số trường hợp không đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, hoạt động phát tán thông tin xấu, độc, vi phạm pháp luật vẫn diễn ra thường xuyên trên các nền tảng dịch vụ của Facebook, YouTube.

Về an ninh thông tin, an ninh dữ liệu đã được quan tâm nhưng chưa có chế tài xử lý. Dữ liệu thông tin cá nhân bị sử dụng, đánh cắp, công khai, trao đổi, rao bán nhằm trục lợi, chào mời khách hàng sử dụng các loại hình dịch vụ.

Thông tin cá nhân người sử dụng các ứng dụng, dịch vụ trên không gian mạng đang bị thu thập, khai thác, sử dụng công khai bởi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số, thương mại điện tử, nhiều ứng dụng lưu trữ dữ liệu tại nước ngoài. Đây là những hành vi cần có mức xử phạt để tăng hiệu lực của pháp luật, tăng sức răn đe, ngăn ngừa tội phạm.

Tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, rất nhiều cá nhân đã bị lừa đảo với số tiền rất lớn.

Hàng nghìn trang web, tên miền đánh bạc

Theo Bộ Công an, tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc, cá độ bóng đá trên mạng chủ yếu do hàng chục “nhà cái” ở nước ngoài móc nối với các đối tượng trong nước (đại lý) xây dựng các đường dây, thiết lập hàng nghìn trang web, tên miền, số tiền đánh bạc ước tính hàng triệu USD mỗi ngày.

Trong khi đó, dịch vụ trò chơi trực tuyến tiếp tục hoạt động mạnh ở Việt Nam; gia tăng nhiều trò chơi trực tuyến mô phỏng cờ bạc hoặc có nội dung nhạy cảm về chính trị, chứa đựng yếu tố khiêu dâm, bạo lực; nhiều trò chơi trực tuyến bị đính kèm mã độc có chức năng nghe lén điện thoại, thu thập thông tin người dùng.

Hoạt động “tín dụng đen” trên mạng xuất hiện hình thức mới (cho vay ngang hàng - P2P Lending) có dấu hiệu cho vay nặng lãi, một số vụ có đối tượng người nước ngoài tham gia; đặc biệt, tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng để núp bóng hoạt động đánh bạc qua mạng, lừa đảo, trốn thuế, rửa tiền, tài trợ cho tổ chức khủng bố hoặc huy động tài chính đa cấp.

Tình trạng sàn thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật về buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, lừa đảo trong hoạt động mua bán, giao nhận hàng hóa qua sàn... gây bức xúc dư luận xã hội.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh đa cấp qua mạng cũng có sự thay đổi phương thức hoạt động, bao gồm các hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng với các mặt hàng thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm... không rõ nguồn gốc được rao bán tràn lan trên mạng và đăng tuyển cộng tác viên để chiếm đoạt tiền.

Tội phạm công nghệ cao có mức độ tinh vi và phức tạp

Tội phạm người nước ngoài sử dụng công nghệ cao chủ yếu là công dân nước ngoài đang dịch chuyển mạng địa bàn hoạt động sang Việt Nam, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn, khu du lịch, vùng ven biển  có vị trí chiến lược, trọng yếu về an ninh, quốc phòng.

Tội phạm có tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán thẻ, thanh toán điện tử, tài chính, ngân hàng tiếp tục gia tăng với nhiều thủ đoạn mới tinh vi hơn. Tình trạng tội phạm lắp đặt thiết bị Skimming tại các máy ATM nhằm trộm cắp thông tin, làm giả thẻ ngân hàng để rút tiền, thanh toán hàng hóa tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương, nhưng với mức độ tổ chức tinh vi và phức tạp hơn, trong đó, đối tượng phạm tội chủ yếu là người nước ngoài.

Tình trạng các đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài, thanh toán khống hàng hóa, dịch vụ để rút tiền vẫn tiếp diễn; xuất hiện thủ đoạn “hủy đảo giao dịch”, lợi dụng hoạt động thanh toán hàng hóa, dịch vụ qua POS của một số ngân hàng thương mại có lỗi để thực hiện giao dịch khống, chiếm đoạt tài sản.

Hoạt động thanh toán xuyên biên giới tiềm ẩn nhiều rủi ro cho an ninh kinh tế, gây thất thoát nguồn thu thuế của nhà nước, đặc biệt là tình trạng khách du lịch nước ngoài sử dụng ví điện tử Alipay hoặc Wechatpay để thanh toán hàng hoá dịch vụ tại một số địa phương.

Các diễn đàn tội phạm mạng (underground, có nhiều đối tượng người Việt Nam tham gia) thường xuyên trao đổi, chia sẻ phương thức, thủ đoạn, công cụ tấn công hệ thống mạng máy tính để thu lợi. Đặc biệt, xuất hiện thủ đoạn tấn công, xâm nhập hệ thống thông tin của các doanh nghiệp có hệ thống bảo mật cao như ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán để chiếm đoạt tiền.

Nhiều vướng mắc trong xử phạt hành chính

Theo Bộ Công an, các hành vi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng chưa được xác định cụ thể; nhiều hành vi được quy định rải rác trong các văn bản xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực khác nhau. Một số hành vi chưa có văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết nên chưa có cách hiểu thống nhất, dẫn đến vướng mắc khi áp dụng trong thực tiễn.

Nhiều hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng được quy định trong Luật An ninh mạng và một số văn bản hướng dẫn thi hành nhưng chưa có chế tài xử phạt.

Với mức độ lợi nhuận thu được từ các hoạt động trên không gian mạng, nếu không áp dụng mức phạt tối đa đối với một số hành vi vi phạm về an ninh mạng sẽ không đủ sức răn đe, chưa tương xứng với hậu quả thiệt hại gây ra, chưa phù hợp với tình hình kinh tế xã hội.

Điều này dẫn đến tình trạng tuy không phổ biến nhưng nhiều cá nhân, tổ chức hiện đang tồn tại tâm lý chung chấp nhận nộp phạt vi phạm hành chính vẫn có lợi hơn so với phải chấp hành đúng quy định của pháp luật./.

NHƯ NGUYỆT