Nâng cao vị thế, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn

Pháp luật - Ngày đăng : 17:12, 05/05/2024

(BKTO) - Việc sửa đổi Luật Công đoàn tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới và nâng cao vị thế, khẳng định vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Ngày 03/5, tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 12, Ủy ban Xã hội đã thẩm tra Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

202405031201479081_dsc_7168.jpg
Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Trình bày Tờ trình Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, Luật Công đoàn hiện hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, nổi bật là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trước yêu cầu của tình hình mới. Trong đó, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật còn hẹp so với sự phát triển nhanh, đa dạng của lực lượng lao động và yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn. Hệ thống tổ chức, việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa cấp ủy địa phương với tổ chức Công đoàn về công tác tổ chức, cán bộ còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn. Một số quy định về tài chính công đoàn còn chung chung, chưa rõ cơ chế giám sát và việc thực hiện công khai, minh bạch, chưa có quy định về tài chính của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp trong bối cảnh tổ chức này được pháp luật quy định cho phép ra đời.

Bên cạnh đó, cơ chế bảo đảm thực thi quyền công đoàn cũng như cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn chưa đầy đủ và cụ thể, tính khả thi không cao; việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn còn dàn trải, chưa tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động…

Mặt khác, ông Nguyễn Đình Khang cũng nêu rõ, Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Cam kết về lao động trong các Hiệp định này yêu cầu các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tuân thủ các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của người lao động theo Tuyên bố năm 1998 của ILO.

Những cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do nêu trên, đã đặt ra yêu cầu rà soát và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ lao động và “nội luật hóa theo lộ trình phù hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trước hết là luật pháp về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, lao động - công đoàn” .

202405031007511749_dsc_7150.jpg
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày Tờ trình Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Do vậy, Luật Công đoàn cần phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm sự tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thể chế chính trị của Việt Nam.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Dự án Luật được xây dựng hướng tới mục đích: Giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn hơn 10 năm thi hành Luật Công đoàn; tiếp cận và xử lý kịp thời các vấn đề mới phát sinh mà Luật chưa điều chỉnh; thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân. 

Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới và nâng cao vị thế, khẳng định vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chung về tổ chức và hoạt động công đoàn trước đòi hỏi của hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong bối cảnh mới; đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Báo cáo một số vấn đề cần quan tâm trong Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết, Ủy ban Xã hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật và các quan điểm xây dựng Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra đề nghị, ban soạn thảo cần thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các văn kiện của Đảng và Hiến pháp 2013, tiếp tục làm rõ những vấn đề mới có liên quan đến vị trí, vai trò, tổ chức, hoạt động của tổ chức Công đoàn; tiếp tục rà soát để bảo đảm sự đồng bộ với Bộ luật Lao động năm 2019 và các luật có liên quan, bảo đảm tương thích với các điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cũng như dự liệu những vấn đề phát sinh khi nước ta tiếp tục đàm phán, tham gia các hiệp định FTA mới để thấy rõ sự cần thiết, yêu cầu, mức độ nội luật hóa.

Với các vấn đề mới, chưa có thực tiễn nhưng cần phải thể chế hóa, cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, toàn diện, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động, các cơ quan liên quan và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền.

Tại Phiên họp, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về các nội dung quan trọng trong Dự án Luật như: địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam, quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam, quyền, trách nhiệm đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động của Công đoàn, thanh tra, kiểm tra và giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn Việt Nam.

Kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan tiếp tục tiếp thu đầy đủ các ý kiến, bổ sung thêm thông tin, tài liệu cần thiết, nêu rõ căn cứ thuyết phục của các quy định, đánh giá tác động kỹ lưỡng, toàn diện để đảm bảo chất lượng Dự thảo Luật.

Đ. KHOA