Lượng giao dịch các sản phẩm bất động sản có xu hướng tăng
Kinh tế - Ngày đăng : 18:17, 05/05/2024
Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý đầu năm 2024 có 10 dự án nhà ở thương mại hoàn thành với quy mô khoảng 4.706 căn, bằng 34,48% so với quý IV/2023 và bằng 71,43% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, miền Bắc có 3 dự án, miền Trung có 4 dự án và miền Nam có 3 dự án.
Bên cạnh đó, có 19 dự án được cấp phép mới với quy mô khoảng 9.774 căn (bằng 95% so với quý IV/2023 và bằng 111,76% so với cùng kỳ năm 2023); có 38 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai với quy mô khoảng 5.527 căn (bằng 80,85% với quý IV/2023 và bằng 73,08% so với cùng kỳ năm 2023).
Về các dự án đang xây dựng, trong cả nước có 984 dự án đang triển khai xây dựng với quy mô khoảng 421.353 căn, bằng 115,22% so với quý IV/2023 và bằng 140,97 % so với cùng kỳ năm 2023.
Đối với nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết, trong quý I, theo báo cáo của 42/63 địa phương, có 13 dự án hoàn thành, khởi công xây dựng và được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 16.008 căn. Trong đó, có 5 dự án hoàn thành với quy mô 2.016 căn; 4 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô 8.073 căn; 4 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 5.919 căn.
Về lượng giao dịch, trong quý đầu năm, phân khúc căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ có 35.853 giao dịch thành công (bằng 129,95% so với quý IV/2023 và bằng 81,51% so với cùng kỳ năm 2023); đất nền có 97.659 giao dịch thành công (bằng 119,86% so với quý IV/2023 và bằng 145,18% so với cùng kỳ năm 2023).
Về giá, Bộ Xây dựng cho biết, mặt bằng giá trên toàn thị trường nhìn chung tiếp tục có xu hướng tăng. Riêng tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư ghi nhận liên tục tăng trên cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Đáng chú ý, có những dự án chung cư đã đi vào sử dụng từ 5 - 10 năm, thậm chí nhà tập thể cao tầng cũ cũng được đẩy giá khá cao. Tại TP. Hồ Chí Minh, trên thị trường thứ cấp, giá bán căn hộ chung cư có xu hướng tăng so với quý trước và tăng nhiều ở một số quận, huyện như quận 7, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận… Hiện, giá bán trung bình một số dự án tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh dao động trong khoảng 50 - 70 triệu/m2.
Đối với nhà ở riêng lẻ, biệt thự, liền kề, đất nền trong dự án, tại thị trường Hà Nội, giá bán tăng khoảng từ 5 - 15% so với cuối năm 2023 (giá bán dao động trong khoảng từ 80 - 220 triệu đồng/m2) và tại TP. Hồ Chí Minh, giá bán dao động trong khoảng từ 90 - 250 triệu đồng/m2.
Liên quan đến vấn đề giá bán căn hộ chung cư tăng cao trong thời gian gần đây được dư luận đặc biệt quan tâm, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, nguyên nhân là do nhu cầu tìm kiếm mua căn hộ chung cư của người dân, nhà đầu tư tăng cao so với thời điểm cuối năm 2023, cùng với đó là sự khan hiếm về nguồn cung mới. Ngoài ra còn do cơ cấu sản phẩm nhà ở trên thị trường chưa hợp lý theo hướng thiếu nhà ở phân khúc bình dân phù hợp với người có thu nhập thấp và thừa nhà ở phân khúc cao cấp.
Ông Hải cũng cho biết, Bộ Xây dựng đã nhận được phản ánh tại một số khu vực, dự án có thông tin giá căn hộ đầu năm 2024 tăng khoảng 20 - 30% so với thời điểm cuối năm 2023. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ đã chỉ đạo một số đơn vị chuyên môn đi khảo sát, qua thực tế cho thấy mặc dù giá bán được đẩy lên cao nhưng gần như không có giao dịch phát sinh.
Để hiện tượng trên không làm ảnh hưởng đến toàn thị trường, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội chỉ đạo cơ quan chuyên môn vào cuộc kiểm tra, xác minh và báo cáo bằng văn bản đến Bộ Xây dựng để Bộ chủ động phương án xử lý hoặc tham mưu với Chính phủ về giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này, để không để xảy ra “bong bóng”.
Trong thời gian còn lại của năm 2024, ông Hải cho biết, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp.
Trước hết là, tập trung xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở... để đảm bảo các luật sớm được đưa vào thực thi. Song song với đó, tiếp tục rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo Chính phủ đối với vấn đề vượt thẩm quyền.
Bên cạnh đó, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục chấp thuận, điều chỉnh chủ trương, lựa chọn nhà đầu tư các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc giải quyết thủ tục xác định giá đất cho dự án bất động sản, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp xử lý lòng vòng gây chậm trễ.
Đối với ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường đôn đốc, hướng dẫn hệ thống các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Trong đó, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện giải pháp về tái cấu trúc nợ tín dụng liên quan đến dự án bất động sản.
Đối với các địa phương, Bộ Xây dựng đề nghị, các địa phương cần nhanh chóng tổng hợp vướng mắc vượt thẩm quyền gửi về Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo xem xét, giải quyết. Cùng với đó, tập trung giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản đã được Tổ công tác rà soát và có văn bản chỉ đạo. Đồng thời, chủ động đề xuất chính sách, quy định phù hợp với đặc thù của địa phương liên quan đến thủ tục về đất đai, đầu tư, quy hoạch, nhà ở...
Đối với doanh nghiệp, Bộ Xây dựng đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động rà soát về thủ tục pháp lý nêu cụ thể các khó khăn, vướng mắc của từng dự án để đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo đúng chức năng, thẩm quyền.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh tái cấu trúc, cơ cấu lại danh mục dự án, sản phẩm để đảm phù hợp với khả năng triển khai thực hiện và điều kiện thực tế của thị trường; điều chỉnh lại phân khúc, giá bán phù hợp với thị trường, đảm bảo tính thanh khoản, tạo dòng vốn để duy trì hoạt động, thực hiện dự án.
Đồng thời, rà soát, cơ cấu lại nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng để tập trung triển khai, hoàn thành dứt điểm từng dự án tránh đầu tư dàn trải, dở dang, đảm bảo phương án trả nợ vay tín dụng và nợ trái phiếu./.