Nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hết vốn đầu tư công

Kinh tế - Ngày đăng : 11:30, 06/05/2024

(BKTO) - 21 Bộ, cơ quan Trung ương và 31 địa phương chưa phân bổ, hoặc phân bổ chưa hết 21.168 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Đáng chú ý, một số Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ sai quy định số vốn 4.066,95 tỷ đồng.
giai-ngan-von-dau-tu-cong-tin-hieu-tich-cuc-ngay-tu-nhung-thang-dau-nam-20240329165722.jpg
21 Bộ, cơ quan Trung ương và 31 địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chi tiết 21.168 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: ST

21.168 tỷ đồng kế hoạch vốn chưa được phân bổ

Bộ Tài chính cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công (ĐTC) năm 2024 là 732.155,15 tỷ đồng (gồm kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, kế hoạch vốn cân đối địa phương giao tăng, kế hoạch các năm trước chuyển sang).

Tổng số vốn đã phân bổ là 685.038,5 tỷ đồng, đạt 103,20% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (663.807 tỷ đồng). Bao gồm ngân sách trung ương (NSTƯ) 220.537 tỷ đồng, ngân sách địa phương (NSĐP) 464.501,3 tỷ đồng.

Nếu không tính số vốn 42.400 tỷ đồng được các địa phương giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tổng số vốn đã phân bổ là 642.610,2 tỷ đồng, đạt 96,81% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Trong quá trình phân bổ, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã ưu tiên bố trí 97.555 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng, đường ven biển, dự án trọng điểm khác (số vốn tối thiểu phải bố trí theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 99.358 tỷ đồng). Số vốn còn lại chưa phân bổ do một số địa phương mới được Thủ tướng Chính phủ giao theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 30/3/2024, đang hoàn thiện thủ tục trình giao kế hoạch. Các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế và xã hội được phân bổ 6.112,674 tỷ đồng.

Theo Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước, việc phân bổ vốn cho dự án phải hoàn thành trước ngày 31/12/2023. Tuy nhiên, hiện nay còn một số Bộ, cơ quan trung ương đã phân bổ NSTƯ cho dự án sau ngày 30/12/2023 với số vốn là 4.066,95 tỷ đồng, trong đó vốn theo ngành, lĩnh vực 1.291,86 tỷ đồng, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) 2.775,09 tỷ đồng.

Việc phân bổ này sai với quy định nên không được phê duyệt trên Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) để làm cơ sở cho việc giải ngân vốn.

Cũng theo Bộ Tài chính, hiện có 21 Bộ, cơ quan Trung ương và 31 địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 21.168 tỷ đồng, chiếm 3,19% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Bộ Tài chính cho biết, nhiều Bộ, địa phương chưa phân bổ nguồn vốn trong nước là do dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư. Một số Bộ, ngành, địa phương dự kiến bố trí cho các dự án, nhiệm vụ đang trình Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn để thực hiện và hoàn thành.

Một số Bộ, ngành, địa phương dự kiến bố trí cho các dự án, nhiệm vụ đang tổng hợp để trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn làm căn cứ bố trí trong kế hoạch năm 2024…

Đặc biệt là 2.437 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi NSTƯ năm 2021 mới được Thủ tướng Chính phủ giao cho 4 địa phương (Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, An Giang) để thực hiện 3 dự án quan trọng quốc gia vào cuối tháng 3 vừa qua. Hiện các địa phương này đang thực hiện thủ tục trình để giao kế hoạch cho các dự án.

Vốn nước ngoài chưa phân bổ chi tiết trên 1.774 tỷ đồng do nhiều dự án vướng mắc trong công tác đấu thầu, hoặc đang đàm phán, hoặc gặp vướng trong ký kết hiệp định sử dụng vốn…

Ngoài ra, còn trên 1.440,5 tỷ đồng vốn CTMTQG chưa phân bổ hết do nhiều dự án khởi công mới đang thực hiện lập, phê duyệt dự án nên chưa đủ điều kiện để phân bổ vốn.

Đối với nguồn vốn NSĐP, còn trên 10.247 tỷ đồng chưa được phân bổ là do còn nhiều địa phương để lại phân bổ sau.

3 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân của 6 địa phương: Bình Thuận, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước. Cụ thể: Bình Thuận đạt 8,77%; Gia Lai đạt 6,31%; Đồng Nai đạt 10,59%; Bình Dương đạt 11,98%; Bình Phước đạt 10,7%; Tây Ninh đạt 13,6%.

Đến hết tháng 3/2024, tại 6 địa phương này, vẫn còn nhiều dự án đã được bố trí kế hoạch vốn vẫn chưa giải ngân hay số vốn giải ngân rất thấp (dưới 5% kế hoạch vốn năm 2024). Cụ thể, tỉnh Bình Thuận có 5 dự án; tỉnh Gia Lai 17 dự án; tỉnh Đồng Nai 5 dự án; tỉnh Bình Dương 2 dự án; tỉnh Bình Phước 4 dự án; tỉnh Tây Ninh 2 dự án.

Hướng dẫn giải ngân vốn được kéo dài, phân bổ vốn dự án trọng điểm quốc gia

Để đẩy nhanh tiến độ phân bổ vốn, tạo tiền đề cho công tác giải ngân, ngày 23/4/2024, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 4240/BTC-ĐT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSTƯ năm 2023 sang năm 2024 cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến của Bộ Tài chính, khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ, làm căn cứ để giải ngân số vốn được phép kéo dài.

Ngoài ra, để tránh vướng mắc khi thực hiện phân bổ 100% kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 5/4/2024 và thống nhất hướng xử lý đối với số vốn triển khai phân bổ kế hoạch đầu tư công nguồn NSTƯ năm 2024 của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong thời điểm từ 31/12/2023 đến hết tháng 5/2024 và sau tháng 5/2024 (nếu có), Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền hướng dẫn về nội dung trên.

Liên quan đến các dự án trọng điểm quốc gia, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh: An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu khẩn trương phân bổ kế hoạch vốn năm 2024 từ nguồn tăng thu NSTƯ năm 2021 và tập trung chỉ đạo thực hiện giải ngân theo đúng kế hoạch được giao./.

THÙY ANH