Đồng bằng sông Cửu Long trước nguy cơ mất an ninh nguồn nước

Xã hội - Ngày đăng : 14:30, 28/07/2016

(BKTO) - Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo những rủi rotiềm ẩn, đe dọa đến an ninh nước Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khi 3 nướcLào, Thái Lan và Campuchia đang có những động thái đẩy mạnh đầu tư vào các dựán xây dựng thủy điện, chuyển nước trên sông Mê Kông…


ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề từ các dự án chuyển nước

Thời gian qua, Thái Lan đã đối mặt tình trạng hạn hán nghiêm trọng nên đã bơm hàng triệu mét khối nước để tưới cho đồng ruộng và rục rịch triển khai các dự án chuyển nước trên một nhánh sông Mekong, bất chấp cảnh báo của giới chuyên gia môi trường về tác động tiêu cực đối với các nước ở hạ nguồn như Việt Nam. Báo cáo của Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho biết đầu năm 2016, Thái Lan khởi động việc bơm nước tại các tỉnh Nong khai và Loei. Tuy vậy, đây chỉ là các trạm bơm nhỏ trong các kế hoạch chuyển nước quy mô lớn hơn rất nhiều dự kiến được triển khai trong các thời gian tới. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Thái Lan đang khởi động việc xem xét các dự án quy mô lớn chuyển nước sông Mekong sang lưu vực khác. Trong khi đó, quốc gia láng giềng Campuchia cũng đang ráo riết đầu tư vào các dự án tưới tiêu theo hướng lấy nước hoặc giữ nước từ Mekong nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp.


Mùa khô 2015-2016, Đồng bằng sông Cửu Long đã phải đối mặt với khô hạn và xâm mặn nghiêm trọng. Ảnh: TS

Chính vì vậy, ĐBSCL của Việt Nam đang chịu áp lực rất lớn khi lưu lượng nước ngày càng cạn dần. Nằm ở cuối nguồn lưu vực sông Mê Kông, ĐBSCL của Việt Nam trong mùa khô 2015-2016 đã phải đối mặt với tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ qua. Ngoài tác động của El Nino cực đoan thì những tác động tích lũy ban đầu của các dự án phát triển (thủy điện, chuyển nước, lấy nước) ở vùng thượng lưu sông Mê Kông cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến toàn bộ khu vực ĐBSCL.

Theo ông Nguyễn Hồng Toàn, Chuyên gia Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho biết: Việc triển khai cùng lúc các dự án thuỷ điện và chuyển nước của Việt Nam cũng như nước láng giềng là rất nguy hiểm bởi 95% lượng dòng chảy vào ĐBSCL là đến từ nước ngoài nên khi lượng dòng chảy giảm, ĐBSCL sẽ phải đối mặt với tình trạng hạn hán, ngập mặn nghiêm trọng hơn trước. Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Nhân Quảng - Chuyên gia quản lý lưu vực sông nhận định: Nếu tất cả các dòng nhánh bên bờ hữu sông Mê Kông thuộc Thái Lan đều có các cống/trạm bơm lấy/chuyển nước vào trữ trong các hồ chứa thì cùng với các dự án tương tự ở Campuchia, lượng nước lũ về ĐBSCL của Việt Nam sẽ giảm bớt. Cộng với tác động làm thay đổi chế độ dòng chảy lũ do việc tích nước và vận hành các đập thủy điện trên thượng lưu, hiện tượng “lũ đẹp” thường thấy trước đây ở ĐBSCL vì thế ít xuất hiện hơn. Tác dụng thau chua, rửa phèn, bồi bổ phù sa cho các diện tích canh tác ở ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng, làm thay đổi chế độ dòng chảy mùa mưa/ lũ và tác động tới hệ sinh thái môi trường thủy sinh, các loài cá...

Cần sự chia sẻ lợi ích trên dòng chính sông Mê Kông

Theo phân tích của các nhà khoa học thì việc chuyển nước sông Mê Kông chắc chắn sẽ xảy ra. Nhiều ý kiến cho rằng, sự quan tâm và thảo luận về Mê Kông trong nhiều năm qua dường như chỉ tập trung vào câu chuyện phát triển thủy điện. Đã đến lúc cần có sự điều chỉnh trong cách nhìn nhận và đánh giá về việc hợp tác tài nguyên nước xuyên biên giới theo hướng toàn diện, tổng thể hơn, trong đó vấn đề chuyển nước cần được đề cập ở mức độ phù hợp.

Đề cập đến giải pháp, nhiều chuyên gia đề xuất: Các nước trong dòng Mê Kông cần phải có tiếng nói chung trong việc chia sẻ lợi ích dưới góc độ quốc gia. Một trong những việc làm trước mắt là vấn đề hợp tác, giám sát giữa các nước với nhau, đánh giá để các bên đều hưởng lợi từ dòng Mê Kông. Ngoài ra, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cần phải mạnh mẽ hơn về tiếng nói, hợp tác tại các cuộc họp quốc tế.

Ông Đào Trọng Tứ - chuyên gia mạng lưới sông ngòi Việt Nam, thẳng thắn cho rằng: Hợp tác xuyên quốc gia là không thể né tránh nếu muốn phát triển. Cần thể hiện quan điểm giữa các quốc gia với nhau được nhìn nhận ở góc độ lợi ích mà không phải ở thượng nguồn muốn làm gì thì làm, không phải anh nào đứng trên thì anh đó thắng, còn anh ở dưới hạ lưu thiệt thòi. Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Nhân Quảng cũng cho rằng Hợp tác Mê Kông là win – win (nghĩa là cùng có lợi cho các bên). Vì thế trong câu chuyện tài nguyên nước, không nên phản đối mà cần tính đến chia sẻ lợi ích. Nếu Việt Nam phản đối việc khai thác tài nguyên nước, quốc gia láng giềng họ cũng sẽ phản ứng rằng Việt Nam cũng chuyển nước, khai thác nước cho tưới tiêu, tại sao phản đối nước khác. Để hợp tác tốt, cần chia sẻ cởi mở. Việc chia sẻ thông tin giữa các nước trong Ủy hội rất quan trọng. Mặc dù vậy, không thể chỉ dùng kênh Ủy hội sông Mê Kông quốc tế mà cần phải qua nhiều kênh hỗ trợ khác như ASEAN, chương trình hợp tác VLC, sự tham gia của các tổ chức ngoài nhà nước… Hợp tác về nước phải được lồng ghép trong hợp tác tổng hợp nhiều lĩnh vực khác, trong đó có cả chính trị, kinh tế.

LONG HOÀNG