Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo Đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi)
Kinh tế - Ngày đăng : 16:20, 07/11/2018
(BKTO) - Nhằm tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận trực tiếp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), sáng nay tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội thảo “Đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi)” khu vực phía Bắc.
Tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo Bộ Tài chính, Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổ biên tập, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, các công ty chứng khoán, công ty niêm yết, công ty đại chúng, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán, ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát, công ty kiểm toán...
Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: N.Ly |
Tuy nhiên, quá trình phát triển của nền kinh tế và hoạt động của TTCK đã phát sinh nhiều bất cập trong Luật Chứng khoán. Từ đó, việc sửa đổi để phù hợp với tình hình mới, tạo ra khuôn khổ pháp lý và động lực cho TTCK phát triển bền vững và an toàn là nhu cầu tất yếu.
Trình bày khái quát nội dung Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), Bà Vũ Thị Chân Phương- Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết, Dự thảo bao gồm 10 chương, 137 điều, với 8 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua. Việc sửa đổi luật lần này hướng tới việc hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển của TTCK, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Cùng với đó, Dự thảo hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với TTCK, bảo đảm TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, sự an toàn của hệ thống tài chính, thị trường vốn mà trọng tâm là TTCK. Bên cạnh đó, Dự thảo hướng tới việc bảo đảm hiệu quả đầu tư và niềm tin của các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và hoạt động trên TTCK.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Bằng - nguyên Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho rằng, để tăng cường tính minh bạch, tạo thuận lợi cho DN, ban soạn thảo nên đề cao tính minh bạch thay vì chỉ tập trung vào các điều kiện kiểm soát. Ông Vũ Bằng cho rằng, về khái niệm chào bán riêng lẻ, Dự thảo Luật chỉ quy định về chào bán riêng lẻ trên phạm vi rất hẹp so với thông lệ quốc tế. Điều này có nghĩa Luật đang thắt quy định đại chúng và điều kiện phát hành riêng lẻ khiến DN gặp khó khăn trong việc huy động vốn.
Hiện nay, chúng ta đã mở thêm ra một số đối tượng nhưng quy định vẫn khác xa với thông lệ quốc tế. Chào bán riêng lẻ theo quy định được chia ra 3 nhóm nhà đầu tư chứng khoán đủ điều kiện, gồm: các công ty chứng khoán chuyên nghiệp; nhà đầu tư chứng khoán đủ tiêu chuẩn tự chịu trách nhiệm; vàDN có vốn 1.000 tỷ đồng. Tại Singapore, luật chỉ yêu cầuDN có vốn 10 triệu USD Singapore, như vậy quy định 1.000 tỷ là quá cao. Đối với cá nhân, quy định hiện nay đang khá rườm rà, trong khi việc kiểm soát tài sản rất đơn giản thông qua sổ đỏ, chứng khoán và sổ tiết kiệm khi đến mở tài khoản chứng khoán.
Đối với quy định chào bán tối thiểu 20% vốn phải do 100 nhà đầu tư nắm giữ, theo Dự thảo Luật, nếu không đảm bảo điều kiện này thì đợt phát hành sẽ xem như không thành công và bị hủy bỏ. Điều này khiến việc huy động vốn của DN dễ thất bại. Nhiều DN niêm yết và đại chúng cũng sẽ không đáp ứng được được yêu cầu huy động vốn, dẫn đến việc không đủ tiêu chuẩn niêm yết. Một điểm nữa có thể ảnh hưởng tới thị trường là quy định về công ty đại chúng. Dự thảo Luật nâng điều kiện công ty đại chúng về vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng, đây là điểm gây bất lợi lớn cho DN.
Đồng quan điểm trên, đại diện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam nêu thêm ý kiến, Dự thảo Luật quy định mức vốn điều lệ tối thiểu bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở lên vốn điều lệ của TCPH. Điều này có thể gây khó khăn cho DN trong việc chào bán cổ phiếu, đặc biệt là với các DN làm ăn tốt, trường hợp chào bán chứng khoán ra công chúng thông qua phương thức bán đấu giá cổ phần thì việc cạnh tranh mua cổ phiếu của các nhà đầu tư rất gay gắt, số lượng nhà đầu tư được mua và sở hữu cổ phiếu với tỷ lệ nhỏ hơn 1% vốn điều lệ sẽ không đáp ứng được yêu cầu.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Cấn Văn Lực- Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nêu ra 5 câu hỏi và 10 ý kiến đóng góp cho Dự thảo. Trong đó, nổi lên một số vấn đề gây nhiều vướng mắc cho các DN, cụ thể như: Điều 35 quy định công ty đại chúng không được mua lại cổ phiếu của chính mình trong trường hợp đang có nợ quá hạn hoặc đang trong quá trình chào bán cổ phiếu để huy động thêm vốn, đây là rào cản rất lớn đối với DN, chưa kể đến việc không có quy định phân loại nợ quá hạn trên tổng nợ, dẫn đến việc chỉ cần có một giá trị nhỏ nợ quá hạn cũng vướng mắc điều này.
Hay như Dự thảo quy định công ty chứng khoán phải có vốn thực góp tối thiểu cho từng nghiệp vụ kinh doanh như bảo lãnh phát hành chứng khoán vốn 300 tỷ trở lên. Đây là điểm rất cần cân nhắc bởi theo khảo sát của BIDV, quy mô DN có vốn 500 tỷ trở lên chỉ chiếm 1,1%; từ 200-500 tỷ cũng chỉ 1,2%; còn lại là DN dưới 200 tỷ - đây chính là các DN nhỏ và vừa. Chiếu theo quy định mới, DN sẽ gặp rào cản lớn khi tham gia thị trường. TS. Cấn Văn Lực kiến nghị ban soạn thảo nên cân nhắc mức 200 tỷ là vừa đối với quy định này.
Theo thông tin từ Ban soạn thảo, nhằm tạo diễn đàn đối thoại, trao đổi, thảo luận trực tiếp, cụ thể giữa cơ quan chủ trì soạn thảo với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và cơ quan, tổ chức có liên quan, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến đối với toàn văn dự thảo luật tại khu vực miền Nam, dự kiến vào ngày 14/11/2018.
THÙY LÊ