Quan ngại tình trạng phát sinh rào cản điều kiện kinh doanh mới
Tài chính - Ngày đăng : 19:10, 09/05/2024
Nguy cơ tái lập các quy định làm gia tăng chi phí
Ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, Chính phủ luôn thúc đẩy các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó chú trọng đến việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh để giảm chi phí tuân thủ cho DN. Theo đó, hàng nghìn điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, đơn giản hóa; thủ tục hành chính thuận lợi hơn rất nhiều.
Cũng theo ông Đức, thông thường để môi trường kinh doanh thuận lợi, cần thực hiện song song 2 hoạt động là rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh hiện có và kiểm soát việc ban hành các quy định kinh doanh mới. Tuy nhiên, theo quan sát, trong các đợt cải cách, các Bộ, ngành thường chú trọng tới hoạt động rà soát các quy định hiện hành nhằm đạt được các mục tiêu mà Chính phủ đặt ra, còn hoạt động kiểm soát các quy định kinh doanh bất hợp lý đang, sẽ sửa đổi dường như ít được xem xét hơn. Chính vì vậy, có một nghịch lý, mặc dù hoạt động cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh đang được thúc đẩy, nhưng khi soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản hiện hành, các quy định bất hợp lý, gây vướng cho DN lại xuất hiện.
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến năm 2023 là 2.770 quy định tại 224 văn bản quy phạm pháp luật trên tổng số 15.801 quy định kinh doanh được cập nhật, công khai trên Cổng Tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.
Lấy dẫn chứng minh họa, ông Đức cho biết, Dự thảo Luật Công chứng đã bổ sung thêm điều kiện để thành lập tổ chức hành nghề công chứng theo hướng “việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng phải căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, diện tích, số lượng và mật độ phân bổ dân cư, nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch trên địa bàn”. Theo ông Đức, hành nghề công chứng là một ngành nghề kinh doanh thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, dựa vào nhu cầu của thị trường, công chứng viên sẽ thành lập văn phòng công chứng ở những nơi có nhiều khách hàng. Việc chuyển dịch các văn phòng công chứng về đô thị hoặc khu trung tâm của huyện, thị xã là xuất phát từ nhu cầu của thị trường. Do đó, bổ sung quy định trên là chưa hợp lý, tạo ra rào cản bất hợp lý cho các chủ thể kinh doanh trong lĩnh vực này.
Một ví dụ khác, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe đã bổ sung quy định “việc xây dựng, thành lập cơ sở đào tạo lái xe ô tô và trung tâm sát hạch lái xe phải căn cứ quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành và các quy hoạch khác có liên quan”. Quy định này đã khôi phục lại quy định tại Điều 4 Nghị định số 65/2016/NĐ-CP về quy hoạch phát triển cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe, đã được bãi bỏ tại Nghị định số 138/2018/NĐ CP để đảm bảo phù hợp với pháp luật về quy hoạch.
“Việc những chính sách đang soạn thảo, dự kiến ban hành hoặc đã ban hành vẫn đề ra những biện pháp quản lý chưa phù hợp, quá mức cần thiết, không rõ mục tiêu quản lý, vô hình trung tạo gánh nặng chi phí cho DN. Thực tế trên cũng đang đặt ra lo ngại tình trạng ban hành điều kiện kinh doanh một cách tràn lan như trước đây quay trở lại và kéo lùi đà cải cách môi trường đầu tư kinh doanh mà Chính phủ đang kiên trì theo đuổi” - ông Đức nhấn mạnh.
Cần minh bạch quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Bình luận về nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho rằng, trước hết, về tư duy của các nhà soạn thảo chính sách, đâu đó vẫn còn tồn tại tình trạng tư duy nặng về “quản lý” thay vì “phục vụ”, dẫn đến tình trạng một số chính sách đang được soạn thảo vẫn áp dụng tư duy kiểm soát thị trường bằng các biện pháp hành chính. Bên cạnh đó, theo quy định, trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản pháp luật, cơ quan soạn thảo phải có báo cáo đánh giá tác động của chính sách. Tuy nhiên, việc các chính sách đang soạn thảo và dự kiến ban hành còn có những quy định chưa hợp lý, gây vướng mắc cho DN cho thấy việc đánh giá tác động của chính sách chưa được thực hiện một cách kỹ càng và có chất lượng.
Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, trong hệ thống khuôn khổ pháp luật chưa có các chế tài để xử lý việc Bộ, ngành ban hành những quy định pháp luật kém chất lượng, hiệu quả quản lý không cao, gây khó khăn, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, nên chất lượng nhiều văn bản pháp luật còn hạn chế.
Để hạn chế tình trạng trên, đưa khuyến nghị về giải pháp, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI - chia sẻ, VCCI thường xuyên tập hợp ý kiến góp ý chính sách từ cộng đồng DN để kiến nghị về các vướng mắc, bất cập trong các dự thảo văn bản pháp luật; tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến của DN không được ghi nhận. Tất nhiên, không phải tất cả các ý kiến góp ý đều chính xác tuyệt đối, nhưng việc ghi nhận hay không ghi nhận chưa được các cơ quan quản lý nhà nước giải trình rõ ràng và công khai. Điều này khiến cho niềm tin của DN bị suy giảm khá nhiều và làm nản lòng họ khi phản ánh các ý kiến vướng mắc. Trong khi đó, đây lại là nguồn thông tin rất hữu ích để cơ quan quản lý nhà nước nhận diện vấn đề và tiến hành sửa đổi, hoàn thiện chất lượng của văn bản pháp luật. Do đó, cần phải minh bạch hơn nữa quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhất là ở các khâu lấy ý kiến, khâu giải trình tiếp thu...
Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Minh Thảo, cần tiếp tục tăng cường, phát huy vai trò của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong việc thực hiện rà soát các quy định pháp luật trong tất cả các ngành, lĩnh vực, cũng như kiểm soát các quy định đang soạn thảo để đảm bảo tinh thần cải cách được thực hiện một cách triệt để./.