Khu vực Mỹ Latinh và Caribe đứng đầu thế giới về chênh lệch giàu nghèo

Kinh tế - Ngày đăng : 07:32, 11/05/2024

(BKTO) - Khu vực Mỹ Latinh và Caribe đang đối mặt với một mức độ bất bình đẳng thu nhập đáng lo ngại, vượt qua cả các khu vực khác trên thế giới như châu Phi hạ Sahara, Bắc Phi và Trung Đông, nơi từ trước đã nổi tiếng với sự chênh lệch đáng kể giữa tầng lớp giàu có và nghèo đói.
giaungheo.jpg
Khu vực Mỹ Latinh và Caribe đang chứng kiến tình trạng bất bình đẳng thu nhập ở mức độ trầm trọng nhất thế giới - Ảnh minh họa

Thông báo ngày 8/5 của Oxfarm cho biết tính trong giai đoạn từ năm 2000-2022, mặc dù số người giàu chỉ chiếm 1% dân số tại khu vực này song họ tích lũy số tài sản gấp 5,85 lần số dân nghèo chiếm 50% tổng dân số, đồng nghĩa với việc 1% người giàu sở hữu tới 44 USD trên 100 USD tổng tài sản của toàn bộ dân số.

Dẫn chứng trường hợp tại Mexico, nơi có hai tỷ phú nổi tiếng thế giới là Carlos Slim và Germán Larrea, Oxfarm cho biết 14 tỷ phú siêu giàu tại Mexico sở hữu tới 8,18 peso trên mỗi 100 peso tổng tài sản của nền kinh tế lớn thứ 2 Mỹ Latinh này.

Do đó, theo Oxfarm - tổ chức quốc tế chuyên về xóa đói giảm nghèo, các quốc gia Mỹ Latinh cần phải tích cực tham gia quá trình thúc đẩy sáng kiến nhằm tăng thuế toàn cầu đối với giới siêu giàu. Hiện sáng kiến này đang được nhà kinh tế học Gabriel Zucman hoàn thiện theo yêu cầu của Chính phủ Brazil.

Theo bà Alexandra Haas, Giám đốc điều hành Oxfam tại Mexico, tổ chức này đang hối thúc Chính phủ Mexico tham gia sáng kiến trên bởi nước này hiện đang có mức thu thuế/ tài sản thấp nhất trong toàn khu vực và mỗi năm chỉ thu được mức tương đương 0,32% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Theo khảo sát của Oxfarm Mexico vừa thực hiện hồi đầu năm 2024, riêng tỷ phú Carlos Slim tích lũy tới 4,48 peso trên 100 peso tài sản được tạo ra tại nước này, trong khi cứ 100 người ở Mexico thì có tới 36 người (46,8 triệu người) hiện đang sống trong cảnh nghèo đói.

Lời kêu gọi của Oxfarm được đưa trong bối cảnh Diễn đàn Hợp tác Thuế Khu vực châu Mỹ Latinh và Caribe (PTLAC) vừa kết thúc hôm 6/5 theo sáng kiến của Ủy ban Kinh tế châu Mỹ Latinh và Caribe (ECLAC).

Tại sự kiện này, mặc dù trong tuyên bố chung không đưa ra lộ trình tăng thuế đối với nhóm người siêu giàu song các nước thành viên ECLAC kêu gọi cần phải có những giải pháp tổng thể nhằm giảm sự bất bình đẳng về thu nhập tại khu vực 650 triệu dân này.

Nam Sơn