Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi): Bổ sung quy định miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập

Xã hội - Ngày đăng : 22:10, 08/11/2018

(BKTO) - Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tại phiên họp chiều 8/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, một trong những chính sách mới của Dự thảo Luật là quy định không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở (THCS) trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập.


                
   

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trình bày báo cáo giải trình,tiếp thu Luật Giáo dục (sửa đổi)- Ảnh: quochoi.vn

   

Chính phủ quy định lộ trình miễn học phí đối với học sinh THCS công lập

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có 10 chương, 121 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 75 điều (tăng một chương, một mục và 7 điều so với Luật Giáo dục hiện hành; tăng một chương và sửa đổi, bổ sung 39 điều so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5).

Liên quan đến chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, tiếp thu ý kiến của Quốc hội, trên cơ sở đánh giá tác động về cả ngân sách đầu tư và hiệu quả đầu tư, kết hợp tham khảo kinh nghiệm quốc tế về chính sách học phí đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 29- NQ/TW; xác định nhu cầu nguồn kinh phí thực hiện chính sách này theo lộ trình phù hợp.

“Dự thảo Luật đã bổ sung quy định không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ báo cáo Quốc hội.

Theo đó, Ban soạn thảo đã sửa đổi khoản 1 Điều 97 Dự thảo Luật theo nguyên tắc đối với chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi trường dân lập, tư thục; học sinh tiểu học trường tư thục sẽ thực hiện ngay sau khi Luật Giáo dục có hiệu lực để đảm bảo thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và miễn học phí trước năm 2020.

Đối với chính sách không thu học phí học sinh trường THCS công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh THCS trường tư thục, Dự thảo Luật quy định trước mắt ưu tiên thực hiện chính sách này đối với người học ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện trên cơ sở cân đối NSNN

Học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí

Cũng theo báo cáo giải trình và chỉnh lý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), quy định không thu học phí của sinh viên ngành sư phạm theo Luật Giáo dục hiện hành đã không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn. Số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành sư phạm còn nhiều, có tình trạng đi làm trái ngành, nghề gây lãng phí lớn nguồn nhân lực sư phạm.

Nếu thu học phí của sinh viên sư phạm giống như các ngành học khác thì nhà trường sẽ có thêm nguồn thu để bù đắp chi phí đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất và các điều kiện khác để bảo đảm chất lượng giáo dục.

Do đó, khoản 3 Điều 83 Dự thảo Luật quy định, học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học; được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, các chế độ miễn, giảm học phí và trợ cấp xã hội quy định. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.

Ban soạn thảo đã bổ sung quy định về việc hoàn trả khoản tín dụng mà học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng đối với những trường hợp người học không có nhu cầu sử dụng tín dụng sư phạm nhưng ra trường vẫn làm trong ngành giáo dục. Mặt khác, Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để đề xuất các chính sách nhằm thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm.
                
   

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 8/11- Ảnh: quochoi.vn

   
Thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) ngay sau đó, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Dự thảo Luật lần này đã được chuẩn bị công phu hơn, tiếp thu, nghiên cứu bổ sung nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, tuy nhiên còn nhiều vấn đề cần được Ban soạn thảo tiếp tục làm rõ.

Quan tâm đến quy định “thực hiện xã hội hóa, biên soạn sách giáo khoa”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, về nguyên tắc chung, sách giáo khoa nên là một bộ chuẩn dùng cho cả nước, do Hội đồng thẩm định sách giáo khoa đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, dùng được cho nhiều năm và hàng năm có thể bổ sung nhưng không nên bổ sung quá 10%. Theo đại biểu, nên xã hội hoá in ấn chứ không xã hội hoá biên soạn. Xã hội hoá in ấn để xóa bỏ độc quyền, khắc phục tình trạng in thiếu sách giáo khoa, nội dung sách giáo khoa in không thống nhất gây bức xúc dư luận như vừa qua.

Liên quan đến chính sách miễn học phí, đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) tán thành với quy định của Dự thảo Luật và cho rằng, chính sách trên đã thể chế hoá quan điểm của Đảng về phổ cập và xã hội hóa giáo dục; thúc đẩy và khuyến khích các loại hình trường dân lập, tư thục phát triển, tham gia thực hiện giáo dục phổ cập; đồng thời thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với người học diện phổ cập, tạo sự bình đẳng giữa trường công lập và trường dân lập, tư thục cũng như bảo đảm công bằng cho người học. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần có sự điều tra, rà soát cụ thể đối tượng các học sinh được miễn, được hỗ trợ học phí là bao nhiêu, để thực hiện chính sách hiệu quả hơn.

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ tiếp tục được Quốc hội thảo luận tại hội trường vào ngày 15/11.

Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ, từ tháng 10/2018 đến tháng 01/2019, Ban soạn thảo tổ chức lấy ý kiến các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục các cấp, cán bộ quản lý, nhà giáo, người học, cha mẹ học sinh đối với dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và đăng tải dự thảo Luật lên Cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến rộng rãi đối tượng thi hành.

NGUYỄN HỒNG