Đẩy mạnh giải ngân vốn các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Kinh tế - Ngày đăng : 10:02, 13/05/2024
Trong Công điện này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật danh sách nhiều dự án chậm giải ngân vốn đầu tư, thậm chí tỷ lệ giải ngân vẫn là 0% (theo số liệu của Kiểm toán nhà nước tính đến ngày 31/01/2024).
Cụ thể như Dự án xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ chế độ báo cấp cấp bộ, cấp tỉnh, huyện, xã tần suất nhanh (trực tuyến); Dự án chuyển đổi số hướng tới mô hình học viện thông minh tại Học viện Tài chính; Dự án đầu tư, thay thế hệ thống công nghệ thông tin tại Cục thuế, Chi cục Thuế…; Dự án nâng cấp, mở rộng hệ thống hóa đơn điện tử; Dự án nâng cấp đoạn Km18-Km80 Quốc lộ 4B; Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam; Dự án xây dựng Trung tâm hồi sức tích cực chống độc và mua sắm thiết bị Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên; Dự án mua sắm trang thiết bị Bệnh viện E giai đoạn 2022-2023…
Tại các địa phương, nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân là 0%. Trong đó có Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp và mua sắm trang thiết bị cho 8 trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Dự án nâng cấp, mở rộng Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Điện Biên; Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho 9 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, tỉnh Lào Cai; Dự án đầu tư Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Đà Nẵng; Dự án đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị; Dự án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị Trường Cao đẳng Bình Phước…
Cũng trong danh sách này, hàng loạt dự án mới đạt tỷ lệ giải ngân dưới 49%, dù thời gian để triển khai các dự án chỉ còn khoảng 8 tháng (sau khi được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ NSNN bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết năm 2024).
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nội vụ, Y tế , Ban Quản lý Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và các địa phương: Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Giang, Điện Biên, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc, các chủ đầu tư khẩn trương, tập trung giải ngân hết số vốn đã bố trí cho các dự án thuộc Chương trình, đảm bảo thời hạn giải ngân và thời gian thực hiện theo tiến độ.
Đồng thời, các địa phương: Cao Bằng; Lạng Sơn, Phú Thọ, Sơn La, Hà Nam, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Tây Ninh, Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau phải rà soát, tập trung bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án có thời gian kết thúc năm 2024 thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để hoàn thành dứt điểm dự án, bàn giao đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, trong đó, giải ngân vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đóng vai trò hết sức quan trọng và chỉ được giải ngân đến hết ngày 31/12/2024. Do đó, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc giải ngân toàn bộ số vốn được giao, chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp không giải ngân hết nguồn vốn này./.