Tiếp nối truyền thống, xây dựng Đại học Sư phạm Hà Nội là ngôi trường giáo dục “mẫu mực” trong thời kỳ đổi mới
Xã hội - Ngày đăng : 18:58, 15/05/2024
Những thách thức này đặt ra trong bối cảnh Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là cơ sở đào tạo giáo viên hàng đầu cả nước với nhiều kỳ vọng và toàn Ngành giáo dục đang đẩy mạnh đổi mới toàn diện, đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải chuyển mình một cách mạnh mẽ để thích ứng, đáp ứng được mong đợi của xã hội.
Không ngừng đổi mới để nâng tầm giá trị
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là một trong những cơ sở giáo dục đại học có vị trí quan trọng trong công tác đào tạo giáo dục, được Đảng và Nhà nước xác định là 1 trong 2 trường Đại học giáo dục trọng điểm của cả nước, một trong những "cái nôi" của nền giáo dục và đào tạo ra những người thầy.
Phát biểu chúc mừng và giao nhiệm vụ cho tân Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, trở thành Hiệu trưởng của một môi trường đào tạo sư phạm hàng đầu là một điều vinh dự lớn lao. Nhất là “trong một thời điểm đặc biệt, là thời kỳ chuyển đổi của nền giáo dục với vô số thách thức nhưng cũng chính là cơ hội để thầy thể hiện bản lĩnh, phẩm chất và năng lực của người lãnh đạo” – Bộ trưởng đánh giá.
Làm lãnh đạo luôn khó, thời kỳ đổi mới, thời tự chủ này lại càng nhiều cái khó, nhiều sức ép, nhiều vất vả, nhất là trong vai trò Hiệu trưởng của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nơi đào tạo ra những người thầy uy tín hàng đầu cả nước.
Vì vậy, Bộ trưởng mong tân hiệu trưởng nhà trường vượt qua được khó khăn thử thách, tận dụng được nhiều điều kiện thuận lợi từ công cuộc đổi mới giáo dục và nhu cầu học tập rất lớn của người Việt Nam hiện nay, từ nhu cầu phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để đưa Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phát triển mạnh mẽ trong thời gian sắp tới.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng mong nhà trường đề ra được chính sách thu hút và phát triển nguồn nhân lực của Nhà trường, đảm bảo chất lượng đội ngũ có trình độ cao, xứng tầm với vị thế và yêu cầu đối với sự phát triển của nhà trường.
Nghiên cứu đổi mới mô hình, chương trình đào tạo của Nhà trường; đảm bảo tính chất “mẫu mực” trong xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo để từ đó có thể chuyển giao cho các trường sư phạm khác trên cả nước.
Phát triển năng lực nghiên cứu khoa học giáo dục, quản lý giáo dục, cung cấp các dịch vụ giáo dục… để giải quyết những vấn đề cụ thể của ngành, của đất nước và đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội.
Cũng nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng trân trọng ghi nhận, biểu dương những kết quả mà nhiều thế hệ tập thể lãnh đạo, các nhà quản lý, các nhà khoa học, viên chức, người lao động, các thầy cô giáo, học viên, sinh viên, học sinh của Nhà trường đã đạt được trong thời gian qua.
Đồng thời, Bộ trưởng trân trọng cảm ơn các thế hệ lãnh đạo nhà trường đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục và nhà trường.
Với tư cách là Hiệu trưởng nhà trường, thay mặt tập thể lãnh đạo Trường, PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn cho biết sẽ lĩnh hội những ý kiến chỉ đạo, định hướng, gợi ý của Bộ trưởng để triển khai thực hiện; đồng thời mong muốn Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ GD&ĐT tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nhà trường trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Qua đây, tân Hiệu trưởng nhà trường cũng bày tỏ lòng tri ân đến các thế hệ lãnh đạo nhà trường, các cán bộ, giảng viên của nhà trường đã hỗ trợ, đồng lòng, tiếp tục vì mục tiêu chung là xây dựng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội ngày càng lớn mạnh, uy tín.
PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn đã từng giữ các chức vụ: Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trước khi nhận Quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhiệm kì 2020-2025.
Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong công tác kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Nhà trường, là cơ sở để Trường tiếp tục thực hiện lộ trình tự chủ, khẳng định vị thế mới của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong hệ thống giáo dục và đào tạo nước nhà.
Viết tiếp những trang mới trên hành trình hội nhập, đổi mới đào tạo sư phạm
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chính thức được thành lập ngày 11/10/1951 theo Nghị định số 276/NĐ của Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ GD&ĐT), là trường đại học sư phạm trọng điểm quốc gia và khu vực, đào tạo các chuyên gia xuất sắc có đóng góp đặc biệt quan trọng cho hệ thống giáo dục và xã hội thông qua các chương trình nghiên cứu, hợp tác đào tạo đại học và sau đại học có chất lượng cao.
Trường xây dựng chiến lược đến năm 2030 sẽ có những kết quả vượt trội trong nghiên cứu khoa học công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên chất lượng cao ở tầm quốc gia và quốc tế.
Trường hiện có 45 ngành đào tạo trình độ đại học, trong đó có 28 Chuyên ngành sư phạm, 17 chuyên ngành ngoài sư phạm, 55 chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 43 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Trường đã được cấp chứng nhận kiểm định chất lượng chu kì 2 theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT.
Hiện nay Trường ĐHSP Hà Nội không ngừng xây dựng, phát triển đội ngũ giảng dạy có trình độ cao, có phẩm chất chính trị vững vàng, nhiệt huyết, cống hiến lâu dài.
Với hơn 1030 viên chức, người lao động, trong đó có 648 giảng viên (11 GS, 115 PGS, 304 TS và TSKH). Đây chính là nguồn lực vô cùng quý giá, góp phần nâng tầm vị thế của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong nước cũng như ở khu vực.
Trải qua chặng đường 70 năm xây dựng, phát triển và cống hiến, tập thể Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý:
+ Huân chương Lao động hạng Ba (1961)
+ Huân chương Lao động hạng Nhì (1962)
+ Huân chương Kháng chiến hạng Ba (1973)
+ 02 Huân chương Lao động hạng Nhất (1981, 2021)
+ Huân chương Độc lập hạng Nhì (1986)
+ 02 Huân chương Độc lập hạng Nhất (1996, 2016)
+ 02 Huân chương Hồ Chí Minh (2001, 2011)
+ Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2004)
Nhiều khoa, bộ môn và các nhà giáo, nhà nghiên cứu thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội được Nhà nước tặng thưởng các phần thưởng cao quý. Nhiều nhà giáo của Trường được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, các Giải thưởng Quốc tế./.