Gánh nặng kinh tế và sức khỏe từ sử dụng rượu, bia
Đầu tư - Ngày đăng : 10:05, 09/11/2018
(BKTO) - Sản lượng tiêu thụ bia tăng từ 2,8 tỷ lít năm 2012 lên hơn 4 tỷ lít năm 2017. Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau Nhật Bản, Trung Quốc, dù mức thu nhập chỉ đứng thứ 8 Đông Nam Á
Năm 2017, Việt Nam tiêu thụ 305 triệu lít rượu, hơn 4 tỷ lít bia
Đây là những con số báo động về thực trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam được Bộ Y tế đưa ra tại Hội thảo về cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và khuyến nghị của các Tổ chức phi chính phủ đối với Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, diễn ra ngày 8/11.
Theo ông Nguyễn Huy Quang- Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế), mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt Nam ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh. Một người Việt Nam trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất ở vị trí 64/194 nước (2016), trong khi mức tiêu thụ toàn cầu tăng không đáng kể. Một nam giới Việt Nam tiêu thụ 27,4 lít cồn nguyên chất/năm, xếp thứ 2 Đông Nam Á và thứ 29 trên thế giới (2010).
Đáng chú ý, tỷ trọng tiêu thụ cồn nguyên chất từ bia đang tăng nhanh hơn từ rượu. Năm 2017 Việt Nam tiêu thụ 305 triệu lít rượu và 4,1 tỷ lít bia (năm 2012 là 2,8 tỷ lít), là nước tiêu thụ bia số 1 Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc.
Xét về mức độ phổ biến của việc uống rượu, bia, năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới uống rượu, đến năm 2015 đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới. Năm 2015 có tới 44,2% nam giới uống rượu, bia ở mức nguy hại (tăng gần gấp đôi so với năm 2010 là 25,1%).
Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về mức độ sử dụng bia-Ảnh minh họa |
Chi phí cho tiêu thụ bia tương đương 4 tỷ USD
Phân tích về tác động của rượu, bia, ông Nguyễn Huy Quang chỉ rõ: Sử dụng rượu, bia có thể tạo thêm gánh nặng kinh tế đối với cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Nhiều người kiệt quệ kinh tế vì chi mua rượu, bia, tăng chi phí giải quyết hậu quả về sức khỏe liên quan đến rượu, bia. Rượu, bia còn làm giảm hoặc mất năng suất lao động do ốm đau, thương tật và tử vong sớm. Rượu bia lấy đi một nguồn tài chính rất quan trọng và là nguyên nhân làm cho tình trạng nghèo đói thêm trầm trọng.
Chi phí kinh tế cho tiêu thụ bia tương đương 4 tỷ USD năm 2017 (4,06 tỷ lít bia tiêu thụ năm 2017), ước tính gần bằng 7% số thu ngân sách của cả nước (chưa kể đến chi phí gián tiếp) trong khi đóng góp cho NSNN của toàn ngành sản xuất rượu, bia năm 2017 khoảng 50.000 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD) (Tổng cục Thống kê). “Tính riêng chi phí trực tiếp cho tiêu thụ bia đã nhiều gấp 2 lần mức đóng góp cho NSNN của toàn ngành rượu bia và nước giải khát”- ông Quang nhấn mạnh.
Dưới góc độ sức khỏe, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, năm 2012 cả nước ghi nhận 520.000 trường hợp tử vong do tất cả các nguyên nhân, trong đó tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73%. Tử vong do bệnh tim mạch đứng hàng đầu với 33%, tiếp theo là ung thư 18%, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 7% và đái tháo đường là 3%. Rượu bia là một trong 4 yếu tố nguy cơ chủ yếu của bệnh không lây nhiễm nói trên.
Theo nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2016 tại Việt Nam, 12% số trường hợp tử vong cả nước có liên quan đến việc sử dụng rượu bia. Rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 02 trong 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam, là nguyên nhân liên quan đến chấn thương, tai nạn giao thông, rối loạn tâm thần và hành vi, xơ gan, bệnh tim mạch, ung thư, một số bệnh truyền nhiễm.
Báo cáo của Viện nghiên cứu phòng chống ung thư cũng cho thấy, tổng chi phí trực tiếp và gián tiếp của 6 bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam mà sử dụng rượu bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính (ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư khoang miệng, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư cổ tử cung) lên tới 25.789 tỷ đồng.
Chưa kể đến, tổn thất do bị xói mòn về văn hóa, nhân cách, đạo đức, lối sống, và chất lượng giống nòi có nguyên nhân từ sử dụng rượu, bia là những gánh nặng xã hội nghiêm trọng không thể so sánh và rất khó lượng hóa.
Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 đã được lãnh đạo 154 quốc gia thành viên (trong đó có Việt Nam) thông qua tại Kỳ họp lần thứ 70 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vào năm 2015 tại New York, trong đó, Việt Nam đã cam kết mục tiêu phát triển bền vững giảm 20- 25% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh không lây nhiễm (NCDs) thông qua dự phòng và điều trị, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất đến năm 2030; giảm 10% tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại vào năm 2030.
Tuy nhiên, việc đạt được các mục tiêu trên rất khó khăn nếu không có một hành lang pháp lý đủ mạnh để can thiệp. Vì vậy, Bộ Y tế đã và đang xây dựng Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia như là một công cụ pháp lý mạnh mẽ nhất để thực hiện các cam kết về phát triển bền vững.
Sáng nay (9/11) Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ được trình Quốc hội.
ĐĂNG KHOA