Nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí

Chính trị - Ngày đăng : 22:40, 15/05/2024

(BKTO) - Dù có nhiều chuyển biến song công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) trên các lĩnh vực vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, lãng phí, là nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.

202405151514113950_dsc_1199-tk.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 33, chiều 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 của Chính phủ.

Tiết kiệm ngân sách hơn 83.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, công tác THTK, CLP đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách. Nhiều Bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt trong THTK, CLP.

Điển hình như trong lĩnh vực quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN), tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2023 theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương là 83.087 tỷ đồng, cao hơn so với năm 2022 (năm 2022 tiết kiệm chi NSNN đạt 53.887 tỷ đồng).

202405151549264536_0515nd2-3-tk.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Có 31 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 63/63 tỉnh, thành phố có số tiết kiệm về chi ngân sách, trong đó một số Bộ, ngành, địa phương có số tiết kiệm cao như: TP. Hà Nội 10.946 tỷ đồng, Quảng Ninh 4.459 tỷ đồng, Bộ Giao thông vận tải 3.810 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu 3.470 tỷ đồng, Bộ Tài chính 2.405 tỷ đồng, Bộ Quốc phòng 1.524 tỷ đồng, Nghệ An 1.012 tỷ đồng, Ninh Bình 1.146 tỷ đồng, Bộ Công an 505 tỷ đồng; một số địa phương đã thực hiện tốt việc tiết kiệm chi thường xuyên.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên phạm vi cả nước, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia đạt cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…

Tuy nhiên, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, công tác THTK, CLP vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, lãng phí, là nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, công tác hoàn thiện thể chế những tồn tại, hạn chế qua nhiều năm chưa được khắc phục, như chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định trong hệ thống pháp luật về đầu tư, đất đai, bất động sản, nhà ở, xây dựng, quy hoạch cũng như việc thực thi thiếu nhất quán của một số địa phương khiến cho việc triển khai các dự án đầu tư gặp nhiều khó khăn, ách tắc, lãng phí; chậm ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới đổi mới, cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập...

Bên cạnh đó, công tác quản lý, sử dụng ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế dẫn tới lãng phí nguồn lực; chậm phân bổ ngân sách. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 cho thấy có 91/115 Bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân cả nước, có đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn.

“Việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục chậm, làm lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình. Tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách trung ương nhất là kinh phí sự nghiệp thấp, chỉ đạt 46,77% kế hoạch bao gồm cả vốn năm 2022 được kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2023” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết.

Đồng thời, việc triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội chưa đạt mục tiêu, yêu cầu, làm lãng phí nguồn lực; THTK, CLP trong quản lý, sử dụng tài sản công còn nhiều tồn tại, lãng phí; còn nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên nước.

Cùng với đó là tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai của các dự án chậm do đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đất của các nông lâm trường; các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa được giải quyết dứt điểm; còn 404/908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích là 18.308/28.155 ha chưa được xử lý.

Xác định đúng nguyên nhân, cụ thể hóa giải pháp

Phát biểu thảo luận tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao những chuyển biến, kết quả kết quả quan trọng trong công tác THTK, CLP. Tuy nhiên, ông Bùi Văn Cường cho rằng, Chính phủ chưa nêu bật được kết quả thực hiện các nhiệm vụ phải hoàn thành trong năm 2023 tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP. Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ đã nêu về kết quả đạt được, hạn chế theo từng nội dung quy định tại Luật THTK, CLP, trong đó có những hạn chế, tồn tại nhiều năm nhưng chậm khắc phục…

202405151538179230_dsc_1214-cuong.jpg
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu thảo luận tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Do đó, Chính phủ cần phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những hạn chế, tồn tại trong THTK, CLP. “Cần xác định đúng nguyên nhân của hạn chế thì mới có cơ sở để đề ra được những giải pháp mang tính đột phá, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác THTK, CLP” - ông Bùi Văn Cường nói.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị Chính phủ cần quan tâm phân tích, đánh giá cụ thể hơn về vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công của các Bộ, ngành, địa phương, phân tích, làm rõ nguyên nhân cũng như trách nhiệm trong vấn đề này.

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm cũng chỉ ra, việc sắp xếp, xử lý tài sản công các đơn vị hành chính sau khi sáp nhập, nhất là các huyện, xã khu vực miền núi gây lãng phí lớn, thiếu cơ chế, chính sách pháp luật để xử lý; một số công trình dự án kéo dài nhiều năm, đội vốn, không hoàn thành để đưa vào khai thác.

Bên cạnh đó, cần làm rõ hơn kết quả thực hiện các kiến nghị trong báo cáo giám sát của Quốc hội, như việc giải quyết các dự án trọng điểm ngành Công Thương tuy đạt kết quả ban đầu xong một số dự án triển khai rất chậm, kéo dài nhiều năm; đánh giá kỹ hơn việc thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương liên quan đến việc xử lý 880 dự án, công trình theo Nghị quyết số 74/2022/QH15.

202405151538179385_dsc_1230.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu thảo luận tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chỉ ra tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh tiếp tục diễn ra. “Công tác hoàn thiện thể chế của chúng ta có vấn đề, có khoảng trống pháp lý, ảnh hưởng đến quá trình tổ chức triển khai thực hiện của hệ thống pháp luật, sẽ làm mất cơ hội của doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cần mổ xẻ, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm việc chậm như thế nào và có giải pháp đẩy mạnh hơn công tác này trong thời gian tiếp theo” - ông Thanh nêu ý kiến.

Liên quan đến đầu tư công, ông Thanh đánh giá, năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, nhờ đó, nhiều công trình quan trọng của quốc gia đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều công trình bị chậm; chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt dẫn đến một số công trình mới hoàn thành, đưa vào vận hành khai thác nhưng đã phải điều chỉnh, sửa đổi ngay.

“Như xây nhà mới tiền bỏ ra ít, nhưng sửa chữa chắp vá thì tiền tăng lên rất nhiều, như thế gọi là lãng phí. Cần khắc phục vì sau này đội vốn thì chúng ta phải bỏ tiền ra xử lý” - ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Qua các ý kiến thảo luận, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ cụ thể hóa hơn những giải pháp đẩy mạnh THTK, CLP; lưu ý cụ thể hóa việc xây dựng, triển khai các kế hoạch, chương trình để thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác THTK, CLP…

Đ. KHOA