Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024): Về nơi in dấu chân Người
Chính trị - Ngày đăng : 06:15, 19/05/2024
Học tập và noi theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác
Khu di tích K9 - Đá Chông, nằm bên bờ sông Đà, thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì, cách trung tâm Hà Nội khoảng 70km, với diện tích rộng 234 ha; là công trình có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta; nơi ghi dấu những ngày tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống, làm việc và lãnh đạo đất nước, Bộ Chính trị cũng từng chọn K9 làm địa điểm để giữ gìn, bảo vệ thi hài Bác từ năm 1969-1975.
Tại Khu di tích, ngôi nhà tưởng niệm Bác Hồ bình dị và trang nghiêm giữa trung tâm đồi, xung quanh rợp bóng mát của những cây cổ thụ xanh tốt. Theo cán bộ hướng dẫn viên, ngôi nhà ấy cũng là nơi mà trước đây, Bác đã có 9 lần về làm việc. Từ những năm 1960 đến năm 1969, Người đã chọn nơi đây để cùng Bộ Chính trị họp bàn những kế hoạch trọng đại của đất nước.
Khi Bác “đi xa”, nơi đây đã từng có một thời gian ru giấc ngủ vĩnh hằng của Người; là một địa chỉ đỏ thiêng liêng để mỗi người dân Việt Nam hướng về. Theo chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (Chi đoàn Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán), hành trình về nguồn tại Khu Di tích lịch sử K9 thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng kính trọng, sự biết ơn sâu sắc và sự ngưỡng mộ, khâm phục của thế hệ trẻ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Về thăm K9, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, tin tưởng vào tương lai và sự trường tồn của đất nước.
Là kiểm toán viên mới vào Ngành, đoàn viên Trần Việt Hà và Nguyễn Thị Hồng Lam (Chi đoàn KTNN khu vực I) chia sẻ, rất vinh dự và tự hào khi được tham gia vào chuyến về nguồn tại Khu di tích K9. Được nghe những câu chuyện của cán bộ hướng dẫn viên, thế hệ trẻ chúng tôi càng hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và càng thêm thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Người; từ đó mỗi cá nhân tự đặt ra cho mình những việc làm cụ thể để học tập và noi theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Người”.
Nhớ những lời dạy của Bác dành cho thanh niên
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đến thế hệ trẻ, đặt niềm tin sâu sắc vào thanh niên và thấy rõ vai trò to lớn, khả năng cách mạng của thanh niên trong tiến trình lịch sử của dân tộc. Trong Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ, Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.
Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn chăm lo, dành sự quan tâm, tin tưởng và đánh giá cao vai trò thế hệ trẻ đối với sự nghiệp cách mạng của nước nhà. Người viết: "Một năm khởi đầu từ mùa Xuân/Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ/Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”.
Người khẳng định, vận mệnh của quốc gia, dân tộc thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên - những người có trách nhiệm thực hiện sứ mệnh lịch sử vẻ vang mà các thế hệ cha anh đã chuyển giao vào tay mình. Để hoàn thành sứ mệnh đó, muốn trở thành những con người đủ đức, đủ tài, có thể gánh vác được những trọng trách mà cách mạng giao phó và làm chủ tương lai vận mệnh của dân tộc, mỗi thanh niên Việt Nam phải ra sức học tập, trau dồi tri thức, khắc phục khó khăn, hạn chế với phương châm: Học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm trọn nhiệm vụ người chủ của nước nhà.
Có thể nói, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” vừa thể hiện tình cảm, sự yêu mến và tin tưởng của Bác đối với thế hệ trẻ; vừa cho thấy tư duy đúng đắn của Người trong việc xem xét, đánh giá vai trò của thanh niên đối với sự phát triển của đất nước, không chỉ thấy hiện tại mà còn thấy cả tương lai; không chỉ dành tâm huyết trước mắt cho sự nghiệp cách mạng mà còn chăm lo vun trồng cái gốc của sự nghiệp đó để nó trở nên vững bền.
Thực tiễn hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lớp lớp thế hệ trẻ đã nỗ lực học tập, lao động, phấn đấu để thực sự là lực lượng xung kích trong sự nghiệp cách mạng; là rường cột, đội hậu bị của Đảng. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, tiếp bước cha anh, thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay, từ khắp mọi miền Tổ quốc, trên khắp các lĩnh vực, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, đã xuất hiện những tấm gương, điển hình tiên tiến, xung kích, đi đầu trong chiến đấu, lao động, học tập và công tác… đã tiếp tục khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của thế hệ trẻ.
Nhận thức sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với các thế hệ thanh niên nói chung, Đoàn Thanh niên KTNN luôn là lực lượng có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, không ngừng ra sức học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và luôn thấm nhuần lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Luôn cảnh giác, tỉnh táo, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tác phong công tác, lối sống. Phải có trái tim sục sôi bầu nhiệt huyết cách mạng, sẵn sàng hành động vì nước, vì dân; có cái đầu đầy bản lĩnh và trí tuệ để khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; có đôi chân vững chắc và bàn tay sạch để đứng vững, đứng thẳng và khước từ mọi sự cám dỗ tầm thường, giữ danh dự của người cán bộ nội chính./.
Ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh "đi xa", Đảng và Nhà nước chọn K9 là nơi đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để gìn giữ thi hài Bác. Ngày 15/12/1969, công trình gìn giữ thi hài Bác Hồ tại K9 đã hoàn thành trước thời hạn 10 ngày. Ngày 24/12/1969, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được chuyển từ Hà Nội lên K9, khu căn cứ bắt đầu nhiệm vụ đặc biệt “giữ yên giấc ngủ của Người”. Trong giai đoạn này, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được xây dựng trên Quảng trường Ba Đình lịch sử. Ngày 18/7/1975, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được di chuyển về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.