PVTrans được kỳ vọng là đơn vị chủ lực về dịch vụ hàng hải và logistics
Kinh tế - Ngày đăng : 17:26, 18/05/2024
Chủ tịch HĐQT PVTrans Phạm Việt Anh cho biết, trong 4 tháng đầu năm, Tổng công ty đã tập trung mọi nguồn lực, áp dụng đồng bộ linh hoạt các giải pháp trọng tâm để triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 được Tập đoàn phê duyệt.
Kết quả, doanh thu hợp nhất 4 tháng đầu năm của PVTrans ước đạt 3.350 tỷ đồng, tương đương 119% kế hoạch 4 tháng và 38% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt ước đạt 460 tỷ đồng, tương đương 153% kế hoạch 4 tháng và 48% kế hoạch năm.
Doanh thu Công ty mẹ ước đạt ước đạt 1.025 tỷ đồng, tương đương 115% kế hoạch 4 tháng và 37% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ ước đạt 180 tỷ đồng, tương đương 119% kế hoạch 4 tháng và 32% kế hoạch năm.
Trong 8 tháng cuối năm, PVTrans phấn đấu thực hiện tổng doanh thu hợp nhất 7.150 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 470 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 411 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 246 tỷ đồng.
Về kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, chỉ trong giai đoạn 2021-2023, PVTrans đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh được Tập đoàn giao với Tổng doanh thu hợp nhất đạt 27.428,2 tỷ đồng, tương đương 65% - 69% kế hoạch 5 năm.
Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.045,7 tỷ đồng, tương đương 67% - 83% kế hoạch 5 năm và nộp ngân sách nhà nước đạt 1.492,3 tỷ đồng, tương đương 55% - 65% kế hoạch 5 năm.
Chủ tịch HĐQT PVTrans Phạm Việt Anh cũng cho biết, về đầu tư, PVTrans đã tiếp nhận thêm 27 tàu, trong đó có 18 tàu đầu tư và 9 tàu thuê mua (bareboat) kèm theo quyền/nghĩa vụ mua lại tài sản.
Lũy kế đến nay, PVTrans sở hữu và khai thác tổng số 52 tàu các loại với tổng trọng tải đạt hơn 1,4 triệu DWT. Riêng Công ty mẹ đã đầu tư được 5/10 tàu với tổng mức đầu tư là 87,4 triệu USD.
Tính đến tháng 5/2024, PVTrans đã góp vốn vào các đơn vị thành viên đạt 497,1 tỷ đồng, đạt 68,5% so với kế hoạch 5 năm 2021-2025. Nhìn chung, PVTrans đang cơ bản bám sát các chỉ tiêu kế hoạch SXKD cũng như kế hoạch đầu tư 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết 2144 Tập đoàn giao.
Trong giai đoạn 2021-2023, PVTrans đã duy trì tăng trưởng liên tục với lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước. Các đơn vị thành viên ngày càng phát triển ổn định với kết quả kinh doanh tăng trưởng và tình hình tài chính lành mạnh.
Đây là tiền đề quan trọng để PVTrans tiếp tục phát huy và hoàn thành tốt kế hoạch 5 năm 2021-2025; Chiến lược phát triển của PVTrans đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Triển vọng thị trường vận tải biển quốc tế được dự báo duy trì xu hướng tích cực với dư địa phát triển rộng lớn khi nhu cầu vận tải, đặc biệt phân khúc vận tải dầu thô, sản phẩm dầu/hóa chất dự kiến tăng trưởng khả quan trong bối cảnh nguồn cung tàu giới hạn.
Cùng với đó, trong xu hướng bất ổn do chiến tranh, xung đột trên thế giới, việc xây dựng những đội tàu của Việt Nam đủ lớn để chủ động phục vụ nhu cầu logistics trong nước và xuất nhập khẩu ngày càng trở nên quan trọng.
Theo ông Phạm Việt Anh, PVTrans dù nắm giữ vị thế là đơn vị vận tải biển hàng lỏng số 1 Việt Nam nhưng quy mô đội tàu hiện tại vẫn còn khá khiêm tốn trong khu vực và thế giới, chưa tương xứng với tiềm năng của một công ty shipping hàng đầu Việt Nam và chưa có đủ nguồn lực để tham gia tích cực vào thị trường hàng hải quốc tế.
Hơn nữa, xu hướng chuyển dịch năng lượng và các yêu cầu cam kết quốc tế COP26 về việc giảm lượng phát thải CO2 vào năm 2030-2050 cũng tạo ra những cơ hội và thách thức cho các công ty shipping, trong đó có PVTrans.
Nhiều tàu cũ của PVTrans sẽ không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện khai thác sau năm 2030. Vì vậy, để duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh, để tồn tại và phát triển, PVTrans buộc phải tái cấu trúc, liên tục đầu tư, đổi mới và trẻ hóa đội tàu.
Đối với ngành logistics, nhu cầu về hạ tầng cầu cảng, kho bãi được kỳ vọng tăng trưởng ở mức khả quan nhờ hưởng lợi từ sự phục hồi hoạt động thương mại cũng như làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI).
Do đó, bên cạnh việc tập trung phát triển lĩnh vực cốt lõi là vận tải biển, PVTrans xem xét mở rộng chuỗi hoạt động ở mảng logistics, cảng biển, cảng cạn... thông qua hình thức mua bán sáp nhập (M&A), hợp tác (góp cổ phần, liên doanh, liên kết) với các đối tác.
Trong giai đoạn 5 năm tiếp theo, PVTrans định hướng gia tăng quy mô thông qua tái cơ cấu nâng cao chất lượng đội tàu với trọng tâm hướng đến các phân khúc tàu có trọng tải lớn hơn, trẻ tuổi hơn, sử dụng năng lượng sạch hơn.
Mục tiêu là phát triển PVTrans không chỉ là một đơn vị vận tải biển lớn mạnh mà còn hướng tới trở thành một đơn vị sở hữu chuỗi logistics toàn diện, phù hợp với xu thế của thị trường.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đánh giá cao năng lực của PVTrans đã thực hiện quản trị hiệu quả, dẫn đầu về doanh thu, lợi nhuận trong khối dịch vụ.
Lãnh đạo Petrovietnam đề nghị lãnh đạo PVTrans cần tập trung bám sát mục tiêu quản trị, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra; rà soát lại kết quả đã thực hiện được trong kế hoạch 5 năm 2021-2025, các vướng mắc để cùng Tập đoàn tập trung tháo gỡ.
Trong bối cảnh Petrovietnam đang hướng đến trở thành Tập đoàn công nghiệp năng lượng, PVTrans được kỳ vọng là đơn vị chủ lực về dịch vụ hàng hải và logistics, giữ vai trò quan trọng trong hệ sinh thái đồng bộ của Petrovietnam.
Do đó, lãnh đạo Petrovietnam đề nghị PV Trans cần tăng cường việc phân cấp, phân quyền trong khối dịch vụ; tiếp tục phân tích về cơ cấu tài sản, nợ, vốn, mô hình quản trị rủi ro, đẩy mạnh chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu, trí tuệ nhân tạo AI…/.