Thông qua Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh

Địa phương - Ngày đăng : 18:20, 20/05/2024

(BKTO) - Theo định hướng, TP. Hồ Chí Minh dự kiến hình thành và phát triển thành 5 phân vùng gồm phân vùng đô thị trung tâm; đô thị phía Đông; đô thị phía Bắc-Tây Bắc; đô thị phía Tây và đô thị phía Nam.
du-lich-hcm.jpg
Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến hình thành và phát triển thành 5 phân vùng - Ảnh minh họa

Ngày 19/5, tại Kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề), các đại biểu HĐND TP. Hồ Chí Minh khóa X đã biểu quyết thông qua Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Theo Tờ trình, Đồ án dự báo quy mô dân số TP. Hồ Chí Minh đến năm 2040 là 13 triệu người, năm 2050 là 14,5 triệu người và đạt 16 triệu người vào năm 2060. Đồ án định hướng phát triển đô thị TP. Hồ Chí Minh dự kiến hình thành và phát triển thành 5 phân vùng. Đó là phân vùng đô thị trung tâm; đô thị phía Đông; đô thị phía Bắc - Tây Bắc; đô thị phía Tây và đô thị phía Nam.

Đối với Vùng đô thị trung tâm: Ranh giới phía Bắc, phía Tây là đường Vành đai 2, phía Nam là kênh Đôi - kênh Tẻ, phía Đông là sông Sài Gòn. Vùng trung tâm bao gồm các Quận: 1, 3,4, 5, 6, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò vấp, quận Bình Tân, một phần Quận 12. Tổng diện tích khoảng 17.000 ha, quy mô dân số hiện hữu (2019) khoảng 4.500.000 người.

Vùng đô thị phía Đông: Đã thành lập thành phổ Thủ Đức, tổng diện tích khoảng 21.000 ha, quy mô dân số hiện hữu (2019) khoảng 1.100.000 người.

Vùng đô thị phía Bắc - Tây Bắc: Ranh giới phía bắc giáp Tây Ninh, phía tây giáp tỉnh Long An, phía Nam là ranh hành chính giữa huyện Hóc Môn và Bình Chánh và đường Vành đai 2; bao gồm huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, một phần Quận 12. Tổng diện tích khoảng 58.500 ha, quy mô dân số hiện hữu (2019) khoảng 1.400.000 người.

Vùng đô thị phía Tây: Ranh giới phía Bắc giáp ranh hành chính giữa huyện Hóc Môn và Bình Chánh; ranh giới phía Nam giáp rạch tỉnh Long An; phía Đông giáp đường Vành đai 2 và sông Cần Giuộc; phía Tây và phía Nam là tỉnh Long An; bao gồm phần lớn huyện Bình Chánh. Tổng diện tích khoảng 23.300 ha, quy mô dân số hiện hữu (2019) khoảng 840.000 người.

Vùng đô thị phía Nam: Ranh giới phía bắc giáp kênh Đôi kênh Tẻ, ranh giới phía nam giáp tỉnh Long An và biển Cần Giờ, phía đông giáp sông Đồng Nai, phía tây là sông Cần Giuộc; bao gồm Quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh và toàn bộ huyện Cần Giờ. Tổng diện tích 93.300 ha, trong đó có Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Quy mô dân số hiện hữu (2019) khoảng 1.200.000 người.

Về giao thông, Đồ án dựa trên cơ sở bổ sung quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía nam, 5 quy hoạch chuyên ngành giao thông quốc gia.

Trong đó, dự kiến bổ sung kết nối đường bộ để củng cố vị trí trung tâm của TP. Hồ Chí Minh như kéo dài trục đường Nguyễn Hữu Thọ, kết nối đường ven biển tại Tiền Giang; kết nối sân bay Long Thành; kết nối với Đồng Nai; kết nối đường sắt… Đồ án cũng xác định các khu vực phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) dọc tuyến metro, đường Vành đai 3.

hdnd-tp-hcm.jpg
Đại biểu HĐND TP. Hồ Chí Minh biểu quyết thông qua Nghị quyết 

Các đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố thống nhất về tầm quan trọng của việc xây dựng Đồ án nhằm phù hợp với định hướng phát triển của toàn vùng TP. Hồ Chí Minh, hướng tới phát triển Thành phố trở thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia, đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố; tập trung cho ý kiến vào các nội dung cụ thể liên quan đến quy mô dân số, quy mô đất đai, phân vùng đô thị, phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, quy hoạch không gian ngầm, chỉ tiêu cây xanh, quản lý chất thải...

Hội đồng Nhân dân Thành phố đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố rà soát nội dung Đồ án phải đảm bảo sự phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố, chiến lược phát triển quốc gia, quy hoạch các ngành quốc gia và quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với Quyết định số 1528/QĐ-TTg ngày 14/9/2021 Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; bổ sung các nội dung về đánh giá môi trường chiến lược; về đề xuất các chương trình ưu tiên đầu tư phát triển và nguồn lực thực hiện; và quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chung vào nội dung Đồ án đảm bảo các yêu cầu theo quy định pháp luật.

Hội đồng Nhân dân Thành phố cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân Thành phố rà soát lại việc tính toán quy mô dân số và rà soát toàn bộ các chỉ tiêu đất đai, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho toàn Thành phố theo quy mô dân số đã được phê duyệt tại Quyết định số 1528/QĐ-TTg; rà soát toàn bộ số liệu phần hiện trạng, có cập nhật, điều chỉnh số liệu đảm bảo chất lượng, độ tin cậy, có nguồn rõ ràng; đảm bảo tính khoa học, đủ số lượng, đủ độ dài chuỗi dữ liệu theo thời gian để phục vụ công tác phân tích, đánh giá, dự báo trong quá trình lập quy hoạch; xem xét kỹ về cơ sở, phương pháp phân vùng và tên gọi các vùng, tiểu vùng, tránh việc phân chia một khu vực quận, huyện thành nhiều vùng khác nhau…

Về định hướng phát triển không gian cho khu vực đô thị trung tâm, Hội đồng Nhân dân Thành phố cho rằng Đồ án cần thể hiện đầy đủ các nội dung về hướng phát triển, mở rộng đô thị; về xác định phạm vi, quy mô các khu chức năng, các khu chuyển đổi chức năng, khu hiện có hạn chế phát triển, khu chỉnh trang, cải tạo, khu cần bảo tồn, tôn tạo, khu phát triển mới, khu cấm xây dựng, các khu dự trữ phát triển; về xác định các khu vực dự kiến xây dựng công trình ngầm theo quy định của pháp luật…

Nam Sơn