Việc xử lý các dự án chậm tiến độ, lãng phí chưa đạt yêu cầu

Kinh tế - Ngày đăng : 18:43, 20/05/2024

(BKTO) - Công tác cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tiến độ chậm; việc xử lý các dự án, cụm dự án theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 chưa đạt yêu cầu - Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đánh giá khi thẩm tra Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 của Chính phủ.

Chiều 20/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã nghe các báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2023.

0c35d4ec-fb28-48d7-b356-8a6c1afd8ae5.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm

Theo đánh giá của Chính phủ, năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt, hiệu quả quy định của Luật THTK, CLP, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP.

Công tác THTK, CLP đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương được nâng lên; nhiều Bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt trong THTK, CLP.

Trong đó, đối với công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư phát triển; đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

9.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Năm 2023, đã thoái vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp với giá trị 11,7 tỷ đồng, thu về 24 tỷ đồng; các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN đã thoái vốn tại 7 doanh nghiệp với giá trị là 53,5 tỷ đồng thu về 206,3 tỷ đồng. Công tác xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả có tiến triển tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Có 8/12 dự án, doanh nghiệp đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương, định hướng xử lý cụ thể. Sau khi có phương án xử lý, một số dự án, doanh nghiệp có lãi, giảm lỗ lũy kế, đã đóng góp cho NSNN, giảm dư nợ trung hạn và dài hạn của các dự án/doanh nghiệp, bảo đảm duy trì việc làm, đời sống cho hàng nghìn lao động.

Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm; việc xử lý thoái vốn của các danh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đồng tình với số liệu, đánh giá của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu rõ: Công tác cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tiến độ chậm. Một số doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư của Nhà nước thua lỗ, hoạt động không hiệu quả, chậm xử lý, khắc phục hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Cùng với đó, việc xử lý các dự án, cụm dự án theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 chưa đạt yêu cầu.

“Mới có phương án xử lý đối với 17/51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 11/13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 14/19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí; 501/880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ.

Từ thực tế trên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, có giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Xử lý vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết, Chính phủ đã ban hành 27 Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

13.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Các Bộ, ngành đã giảm 17 tổng cục và tương đương; giảm 10 Cục và 144 Vụ/Ban thuộc tổng cục và thuộc Bộ; giảm 108 phòng trong Vụ/Ban thuộc Bộ, ngành; giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập.

Các địa phương giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; 2.572 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Tính đến hết năm 2023 đã giảm 7.867 đơn vị sự nghiệp công lập (năm 2023 giảm 236 đơn vị), còn 46.385 đơn vị sự nghiệp công lập. Số đối tượng tinh giản biên chế năm 2023 là 7.151 người.

Các Bộ, cơ quan đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 30 văn bản để cắt giảm, đơn giản hóa 341 quy định kinh doanh, đơn giản hóa 528/1.086 thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, cắt giảm thủ tục hành chính có lúc, có nơi còn chậm, chưa kịp thời, quyết liệt; thủ tục hành chính một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Việc sắp xếp, kiện toàn tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn một số bất cập.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách đánh giá, tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ dẫn đến trì trệ, kém hiệu quả trong hoạt động điều hành của bộ máy nhà nước ở một số cơ quan, tổ chức mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng chậm được khắc phục.

Việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều khó khăn, vướng mắc; cơ chế tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập y tế, giáo dục đại học còn nhiều bất cập do thiếu quy định pháp luật; cơ chế tự chủ về tài chính, tổ chức bộ máy, nhân lực khoa học và công nghệ còn nhiều điểm chưa phù hợp với đặc thù hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nhiều lĩnh vực dịch vụ công chưa ban hành được giá dịch vụ, chưa thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước nên chưa đạt được các chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Cơ quan thẩm tra kiến nghị Chính phủ xử lý các vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là cơ chế tự chủ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ; hướng dẫn xác định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; sớm ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu trong từng ngành, lĩnh vực.

Đồng thời, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh; tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về các quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật chưa thực sự phù hợp.

Đ. KHOA