Tiếp tục tập trung các nhóm nhiệm vụ Đề án 06
Địa phương - Ngày đăng : 14:55, 21/05/2024
Năm 2024, Quảng Ninh đặt yêu cầu hoàn thành nhiều nhiệm vụ trong Đề án 06. Tiếp tục cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ, đầu năm 2024 Công an tỉnh với vai trò là Cơ quan Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của tỉnh đã chủ trì nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh trong năm với 17 mục tiêu chung, 7 nhóm và 41 nhiệm vụ cụ thể.
Tính đến hết tháng 4/2024, có 4/6 nhiệm vụ theo kế hoạch đã hoàn thành, đó là: Tổ chức hội nghị ra mắt, giới thiệu 45 mô hình điểm Đề án 06 tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn; chỉnh sửa, phân công chủ trì thực hiện mô hình điểm về chức năng, nhiệm vụ từng đơn vị; hoàn thành chuẩn hóa 1.503 thuê bao, đạt 100%; đề xuất, khen thưởng thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đột xuất, mới phát sinh.
Còn 2 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong tháng 4 theo kế hoạch, đang được các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh là: Hoàn thành nhiệm vụ số hóa, cập nhật dữ liệu hộ tịch lịch sử trên địa bàn tỉnh; chính thức cập nhật dữ liệu vào hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch để xây dựng, tạo lập dữ liệu cho Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và yêu cầu 100% CBCCVC, LLVT trên địa bàn tỉnh đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2.
Bên cạnh đó, Tổ công tác Đề án 06 tỉnh luôn bám sát các thông báo kết luận của Chính phủ và chỉ đạo của Tổ công tác Đề án 06 Chính phủ hằng tháng để tập trung triển khai các chỉ đạo mới phát sinh. Trong đó, Sở TT&TT tập trung rà soát, tham mưu các giải pháp về an toàn, an ninh mạng; hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Dự án nâng cấp hệ thống một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công của tỉnh.
Sở TN&MT chủ trì phối hợp đề xuất việc chuyển giao phần mềm hệ thống thông tin đất đai mục tiêu MPLIS để địa phương triển khai xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai. Đặc biệt, Công an tỉnh chủ động nghiên cứu các nhiệm vụ thúc đẩy Đề án 06 của TP Hà Nội với nhiều cách làm hiệu quả, để từ đó tham mưu tỉnh báo cáo Tổ công tác Đề án 06 Chính phủ đăng ký triển khai 11/17 nhiệm vụ, nhóm tiện ích phù hợp triển khai trên địa bàn tỉnh. Đến nay, các nhiệm vụ bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.
Nổi bật, triển khai nhóm tiện ích “Sổ sức khỏe điện tử”, “Kiosk khám sức khỏe tại bệnh viện”, Sở Y tế đã thực hiện thủ tục đấu thầu thuê dịch vụ công nghệ thông tin để triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử tỉnh Quảng Ninh. Sở đã chỉ đạo rà soát, đề xuất nhu cầu của các đơn vị (dự kiến 55 thiết bị cho 14 cơ sở y tế đã hoàn thành bệnh án điện tử và phải hoàn thiện bệnh án điện từ năm 2024). Đồng thời, thành lập Hội đồng kỹ thuật để đánh giá nhu cầu, kỹ thuật của kiosk và phần mềm Kiosk khám chữa bệnh tự động…
Đối với nhóm tiện ích “Thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe trên địa bàn tỉnh", Sở GT-VT đã rà soát các quy định và làm việc với Viettel Quảng Ninh xây dựng phương án, giải pháp kỹ thuật triển khai.
Thực hiện nhóm tiện ích “Thu thuế khoán hộ kinh doanh cá thể; hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền”, Cục Thuế tỉnh đã rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện nhiệm vụ. Theo thống kê, hết năm 2023, tỷ lệ nộp thuế điện tử đối với hộ cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán đạt 27%; có 1.781 người nộp thuế đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền (đạt 100%).
Hay trong thực hiện nhóm tiện ích “Chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt”, đến nay 13/13 địa phương trong toàn tỉnh đã thực hiện chi trả qua tài khoản với số đối tượng an sinh xã hội đã có tài khoản là 32.563/61.826 người. Đối với “Chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng không dùng tiền mặt”, toàn tỉnh đã thực hiện chi trả cho 44.257/98.353 người. Cùng với đó, đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đối với các chế độ hằng tháng khác cho 10.534/27.257 người.
Ngoài ra, đối với nhóm tiện ích về dịch vụ công và số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh chủ trì tổ chức tập huấn 2 nhóm TTHC liên thông cho 1.045 CBCCVC thuộc các sở, ngành, UBND cấp huyện trong tỉnh; số hóa 100% TTHC từ khâu tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Trung tâm Hành chính công cấp huyện, thí điểm bóc tách dữ liệu đối với một số lĩnh vực trọng điểm và 6 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 với mục đích tái sử dụng tài liệu và kết quả giải quyết TTHC của công dân, để không phải kê khai lại trong các TTHC tiếp theo.
Tính riêng trong tháng 4, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tiếp nhận và số hóa 7.911/8.033 hồ sơ; trả 8.612/9.159 kết quả bản điện tử cho tổ chức, công dân. Cấp huyện đã thực hiện tiếp nhận và số hóa 21.693/21.749 hồ sơ, trả 21.204/23.990 kết quả bản điện tử. Cấp xã tiếp nhận và số hóa 26.926/27.463 hồ sơ, trả 26.371/27.729 kết quả bản điện tử cho tổ chức, công dân.
Bên cạnh tích cực triển khai các nhiệm vụ, nhóm giải pháp trên, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung đánh giá các dự án liên quan đến camera giám sát giao thông, an ninh trật tự; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; triển khai các giải pháp định danh tàu thuyền trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử… phấn đấu đảm bảo triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra./.