Nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
Địa phương - Ngày đăng : 16:34, 21/05/2024
Giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hòa Bình là 25.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 723 tỷ đồng; nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác là 1.810 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 854 tỷ đồng; vốn xã hội hóa khác trên 21.000 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn trên, tỉnh đã tập trung hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế - xã hội và phát triển hạ tầng. Công tác Quy hoạch xây dựng nông thôn mới bước đầu đã đi vào cuộc sống, tạo được cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp hơn ở các vùng nông thôn và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việc thực hiện các quy hoạch nông thôn mới đã có tác động tích cực đến đời sống người dân nông thôn, góp phần hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới.
Đến nay, tỉnh có 129/129 xã đạt tiêu chí về quy hoạch thuộc Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới. Tỉnh tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện các tiêu chí Quy hoạch thuộc Bộ tiêu chí quốc gia, Bộ tiêu của tỉnh về xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền.
Theo đó, hạ tầng giao thông đã có bước phát triển mạnh; hạ tầng đô thị, công nghiệp, thương mại được đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư và có bước chuyển biến tích cực; hạ tầng nông nghiệp, thủy lợi, ứng phó biến đổi khí hậu, điện, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, thông tin - truyền thông, văn hóa - thể thao - du lịch được quan tâm đầu tư, tạo ra diện mạo mới cho tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xóa đói giảm nghèo, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân.
Toàn tỉnh cũng có 88/129 xã (68,2%) đạt tiêu chí về giao thông thuộc Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới; 100% xã đạt tiêu chí về thuỷ lợi và phòng, chống thiên tai, hệ thống điện đảm bảo cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt; 84/129 xã (65,1%) đạt chuẩn tiêu chí về trường học và 127/129 xã (98,5%) đạt chuẩn tiêu chí về giáo dục và đào tạo.
Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, chợ an toàn thực phẩm cấp xã tiếp tục được đầu tư. Các chợ trung tâm, chợ đầu mối, trung tâm thu mua - cung ứng nông sản an toàn cấp huyện; trung tâm kỹ thuật nông nghiệp; hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai gắn với lợi thế địa phương, mang lại nguồn lợi về kinh tế, thu nhập bền vững cho người dân nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 158 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 2 sản phẩm OCOP tiềm năng hạng 5 sao; 32 sản phẩm OCOP hạng 4 sao và 124 sản phẩm OCOP hạng 3 sao.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được lồng ghép triển khai có hiệu quả, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo cho nhân dân trên địa bàn tỉnh./.