Quốc gia nợ nhiều nhất châu Âu sắp lộ diện

Kinh tế - Ngày đăng : 13:26, 22/05/2024

(BKTO) - Trong ba năm tới, Italy dự kiến sẽ trở thành quốc gia có mức nợ công cao nhất châu Âu, theo nhận định từ cơ quan xếp hạng tín dụng Scope Ratings. Cơ quan này cũng kêu gọi chính phủ Italy lập kế hoạch để ổn định tình hình tài chính công của quốc gia.
italy-.jpg
Theo Scope Ratings, Italy sẽ trở thành quốc gia nợ nhiều nhất châu Âu sau 3 năm nữa - Ảnh minh họa

Nợ công cao nhất châu Âu vào năm 2028

Trong báo cáo mới nhất của Scope Ratings, tỷ lệ nợ công so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italy được dự báo sẽ vượt qua Hy Lạp, đưa Italy trở thành quốc gia có mức nợ công cao nhất châu Âu vào năm 2028, nhanh hơn dự đoán trước đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Viễn cảnh về tình hình tài chính công xấu đi của Italy sẽ tạo thêm áp lực cho liên minh cánh hữu cầm quyền của Thủ tướng Giorgia Meloni trong việc thực hiện hành động khắc phục.

Tỷ lệ nợ công/GDP năm 2023 đã giảm nhiều hơn đáng kể so với dự đoán, xuống còn 137,3%, nhưng xu hướng đó hiện đang đảo ngược - một quỹ đạo đã được thừa nhận trong các dự báo chính thức.

Ông Eiko Sievert, chuyên gia kinh tế và là nhà phân tích của Scope, nói: “Chính phủ Italy cần xây dựng và thực hiện một kế hoạch củng cố tài chính trung hạn, đáng tin cậy để ổn định nợ công trước những thách thức về chi phí lãi suất cao, các ưu đãi thuế quá mức trước đây và sự chậm trễ trong chi tiêu của kế hoạch phục hồi thúc đẩy tăng trưởng”.

Ông Sievert cho rằng Rome cần tiết kiệm tích lũy 135 tỷ euro (146 tỷ USD) trong 5 năm tới để có số dư cơ bản - thước đo so sánh doanh thu với chi tiêu, trước chi phí lãi vay. Tính toán đó giả định mức tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm của Italy là 1% và lạm phát ở mức 2%.

Ông Sievert nói: “Việc nâng cao hiệu quả và chất lượng chi tiêu công, củng cố tính bền vững của hệ thống lương hưu và cải thiện việc tuân thủ thuế sẽ rất quan trọng”.

Các nhà đầu tư đã vô tình “giúp” chính phủ của bà Meloni, với mức chênh lệch lợi tức giữa trái phiếu Italy so với các trái phiếu tương đương của Đức – một thước đo rủi ro chính trong khu vực – đã giảm vào đầu năm 2024 xuống mức thấp nhất trong 2 năm.

OECD hối thúc Italy đẩy mạnh cải cách tài chính

italy.jpg
Italy cần có nỗ lực lớn để giảm thâm hụt ngân sách trong những năm tới - Ảnh minh họa

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế mùa Xuân vừa được công bố, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã kêu gọi Italy nỗ lực lớn hơn nữa để giảm thâm hụt ngân sách trong những năm tới. OECD dự báo thâm hụt ngân sách của Italy sẽ tiếp tục thu hẹp nhưng vẫn duy trì ở mức trên 3% GDP cho đến năm 2025. Đồng thời, tỷ lệ nợ công của quốc gia này vẫn ở mức cao, và áp lực chi tiêu sẽ tăng lên do nhu cầu đầu tư và chi phí liên quan đến già hóa dân số.

Để đối phó với những thách thức này, Italy cần thực hiện các điều chỉnh tài chính lớn và bền vững, nhằm đưa tỷ lệ nợ công vào một lộ trình thận trọng hơn và tuân thủ các quy định tài chính mới của Liên minh châu Âu (EU). Các biện pháp điều chỉnh bao gồm các hành động quyết đoán nhằm giải quyết vấn đề trốn thuế, hạn chế sự gia tăng chi tiêu lương hưu và tiến hành đánh giá chi tiêu một cách tham vọng.

OECD đưa ra dự báo rằng GDP của Italy sẽ tăng 0,7% trong năm nay, thấp hơn dự báo của chính phủ là 1%. Lạm phát cao trong hai năm qua đã làm xói mòn thu nhập thực tế, trong khi điều kiện tài chính vẫn bị hạn chế và hầu hết các khoản viện trợ đặc biệt liên quan đến cuộc khủng hoảng năng lượng và COVID-19 đã bị hủy. Đây đều là những yếu tố tác động đến tiêu dùng và đầu tư tư nhân.

OECD nhận thấy xu hướng lạm phát tại Italy là tích cực: ước tính lạm phát sẽ giảm mạnh từ 5,9% hồi năm 2023 xuống còn 1,1% trong năm nay, sau đó là 2% vào năm 2025. Về thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục giảm từ mức 7,6% của năm 2023 xuống 7,4% trong năm nay rồi 7,3% vào năm 2025.
Về tài chính công, OECD đánh giá tỷ lệ nợ của Italy sẽ tăng trở lại trong năm nay, từ tương đương 137,1% GDP vào năm 2023 lên tương 139,1% GDP trong năm nay rồi tiếp tục tăng lên 140% GDP vào năm 2025.

OECD khuyến cáo để đưa tỷ lệ nợ/GDP trở lại con đường bền vững hơn, Italy cần phải điều chỉnh tài chính trên diện rộng và kéo dài trong nhiều năm. Mục tiêu là giải quyết áp lực chi tiêu trong tương lai và tôn trọng các quy định tài chính mới của EU.

Việc tăng tốc đầu tư công liên quan đến Kế hoạch phục hồi và chống đỡ quốc gia (PNRR) có thể thúc đẩy tăng trưởng của Italy trong năm 2024 và 2025. Việc sử dụng toàn bộ nguồn vốn này có nghĩa là chi tiêu chính phủ phải tăng từ tương đương 1% GDP trong năm 2023 lên trung bình khoảng 2,5% GDP trong khoảng thời gian từ năm 2024 đến năm 2026.

Rủi ro chính đối với Italy là việc dừng áp dụng chương trình ưu đãi thuế Super bonus, vốn đã trở nên không bền vững đối với tài chính công và gây ra sự sụt giảm cao hơn dự kiến trong đầu tư bất động sản.

Trong khi đó, việc giảm thuế - dù chỉ là tạm thời - và việc tăng chi tiêu công liên quan đến PNRR phần lớn bù đắp cho việc giảm hỗ trợ tài chính cho các gia đình và doanh nghiệp. Điều này dẫn đến tình hình tài chính trung lập vào năm 2024 và thắt chặt tài chính ở mức vừa phải trong 2025 cho Italy.

Nam Sơn