Chuyên nghiệp hoạt động đấu giá tài sản
Pháp luật - Ngày đăng : 06:00, 23/05/2024
Bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên
Báo cáo việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, qua rà soát, để bảo đảm thống nhất với quy định tại Điều 218 của Bộ luật Hình sự, Dự thảo Luật đã bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản trong việc lập danh sách khống về người đăng ký tham gia đấu giá, lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động đấu giá tài sản. Đồng thời, nghiêm cấm đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thông đồng, móc nối với nhau để dìm giá, nâng giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản.
Đồng tình với nội dung giải trình, tiếp thu song đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Đoàn Hải Dương) chỉ ra, thực tế trong một cuộc đấu giá, không chỉ đấu giá viên mà các nhân viên khác thuộc tổ chức đấu giá tài sản cũng phải tham gia phục vụ cuộc đấu giá trong thời gian rất dài. Tại Dự thảo Luật có quy định về người giúp việc nhưng không quy định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm hay giải thích từ ngữ về người giúp việc, dẫn đến thực tế các cuộc đấu giá tài sản có số lượng người giúp việc không đồng nhất, thao tác nghiệp vụ của người giúp việc cũng không rõ ràng...
“Đây là một kẽ hở, một khoảng trống pháp luật rất dễ bị các tổ chức đấu giá, đấu giá viên, nhân viên khác lợi dụng để trục lợi và cũng là nguyên nhân của một số khiếu nại, tố cáo phát sinh trong quá trình tổ chức đấu giá” - đại biểu Hoàn nói và đề nghị Dự thảo Luật quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người giúp việc; nhằm hỗ trợ cho đấu giá viên trong quá trình điều hành cuộc đấu giá, cũng như phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong điều hành cuộc đấu giá.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) đề nghị, Dự thảo Luật cần bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản, cụ thể là các hành vi: Gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội để dành lợi thế cho mình hoặc cho tổ chức mình trong hành nghề đấu giá; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người đăng ký tham gia đấu giá ngoài tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiền đặt trước và chi phí khác đã được xác định, thỏa thuận; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người thứ ba để thực hiện việc đấu giá tài sản không đúng quy định.
Quy định rõ tiêu chí lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá
Quan tâm đến quy định về lựa chọn tổ chức đấu giá, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) đánh giá, Dự thảo Luật đã bãi bỏ tiêu chí “thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản phù hợp”, đồng thời bổ sung nội dung giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết điều này. Riêng tiêu chí về “Các tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do người có tài sản đấu giá quyết định” thì vẫn giữ nguyên như Luật Đấu giá hiện hành.
Theo đại biểu, mặc dù đây là tiêu chí Luật trao cho người có tài sản có quyền quyết định cho phù hợp với tài sản đấu giá; tuy nhiên, thực tiễn thực thi cho thấy, đây chính là tiêu chí dễ dẫn đến tiêu cực trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá, không bảo đảm công bằng cho các tổ chức đấu giá. “Đây là tiêu chí tùy nghi, rất đa dạng và người có tài sản tùy thuộc vào từng loại tài sản đưa ra đấu giá, thậm chí có tình trạng để hướng đến việc lựa chọn một tổ chức đấu giá tài sản cụ thể nào đó, người có tài sản sẽ đưa ra tiêu chí thuộc tiêu chí khác mà chỉ có tổ chức đấu giá đó mới đáp ứng được” - đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nêu rõ.
Do đó, đại biểu đề nghị Dự thảo Luật nên bỏ quy định về “tiêu chí khác” này. Trường hợp tiếp tục quy định thì cần quy định rõ hơn nội dung cơ bản của tiêu chí để tạo khung pháp lý cho quá trình tổ chức thực hiện. Trường hợp không quy định trong Luật này thì khi ban hành Thông tư quy định chi tiết cần phải quy định về nội dung này để tránh tiêu cực, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) cũng đề nghị Bộ Tư pháp cần quan tâm khi quy định chi tiết các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản phải rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ để tránh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề đấu giá như thời gian qua.
Liên quan đến quy định về thu, quản lý, sử dụng tiền bán hồ sơ mời tham gia đấu giá, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) nêu, Dự thảo Luật quy định “Tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá thuộc về tổ chức hành nghề đấu giá tài sản”. Theo đại biểu, với các cuộc tổ chức đấu giá quy mô lớn, tài sản đấu giá có giá trị thương mại cao thì tiền thu được bán từ hồ sơ tham gia đấu giá thường có giá trị rất lớn. Để bảo đảm quyền lợi hài hòa giữa người có tài sản đấu giá và các tổ chức hành nghề đấu giá, góp phần hướng tới một thị trường đấu giá cạnh tranh lành mạnh, chuyên nghiệp và đảm bảo nguồn kinh phí để chi cho công tác đấu giá, đại biểu đề nghị quy định tiền bán đấu giá hồ sơ theo nhóm tài sản. Trường hợp tài sản, lô đất đấu giá là tài sản đất, quyền khai thác khoáng sản thì tài sản bán đấu giá, quyền chuyển nhượng bán đấu giá đất và tiền bán đấu giá đất, hồ sơ tham gia đấu giá phân chia theo tỷ lệ tổ chức bán đấu giá tài sản được hưởng 30% tổng số tiền bán hồ sơ thu được, tối thiểu không nhỏ hơn 200.000 đồng. Trường hợp tài sản, lô tài sản đấu giá có giá trị nhỏ lẻ khác thì tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá thuộc về tổ chức hành nghề đấu giá tài sản.
Dự kiến, Dự thảo Luật sẽ được tiếp thu, hoàn thiện trình Quốc hội thông qua vào cuối Kỳ họp thứ 7./.