5 ngành có tiềm năng cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất

Kinh tế - Ngày đăng : 18:40, 22/05/2024

(BKTO) - Ngày 22/5, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Bảng xếp hạng VIX50 - Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2024. Cùng với việc công bố Bảng xếp hạng VIX50, Vietnam Report đã thực hiện nghiên cứu chuyên sâu từ khảo sát các chuyên gia và doanh nghiệp niêm yết trong tháng 4-5/2024.
1(2).jpg
Nguồn: Vietnam Report

Nhận diện xu hướng và triển vọng thị trường

Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy, theo góc nhìn của các doanh nghiệp đại chúng, năm 2024 vẫn là “vùng giao tranh” giữa các nhịp điều chỉnh và phục hồi của thị trường. Có tới 88,9% số doanh nghiệp đánh giá diễn biến tăng, giảm đan xen là trạng thái chủ đạo xuyên suốt năm.

Dù có nền tảng hỗ trợ từ mặt bằng lãi suất thấp - thúc đẩy nhiều người gia nhập thị trường và tạo ra lực cầu tích cực giúp thị trường chứng khoán TTCK không giảm quá sâu, kinh tế vĩ mô và lợi nhuận doanh nghiệp được kỳ vọng qua đáy và bước vào chu kỳ tăng trưởng tích cực và tâm lý tích cực đối với tín hiệu lạc quan về khả năng nâng hạng thị trường.

Theo phản ánh của các chuyên gia và doanh nghiệp niêm yết, việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai các giải pháp thúc đẩy quá trình nâng hạng TTCK bao gồm cải thiện hệ thống pháp lý, nâng cao tính minh bạch và chuyên nghiệp hóa thị trường, giúp thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài và nâng cao vị thế của TTCK Việt Nam.

TTCK Việt Nam đang là trọng tâm chú ý khi đã vươn lên ở vị trí số 1 trong số các yếu tố ảnh hưởng, với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn là 77,8%, đồng thời cũng là yếu tố được kỳ vọng có tác động tích cực nhất đối với TTCK theo bình chọn của 66,7% số doanh nghiệp.

Trong khi các cơ quan quản lý đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ các nút thắt để đưa TTCK Việt Nam sớm đạt cộc mốc trưởng thành, các doanh nghiệp đại chúng cũng nhận thấy rằng, nền móng tăng trưởng bền vững của TTCK nói chung và bản thân các doanh nghiệp nói riêng không thể thiếu điểm tựa từ các chính sách của Chính phủ. 

Doanh nghiệp kiến nghị 4 chính sách cần ưu tiên

Việc tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về TTCK vẫn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong số các chính sách trọng tâm để hỗ trợ TTCK, với sự đồng thuận của 100% số doanh nghiệp tham gia khảo sát.

Giai đoạn tới, đây tiếp tục là yếu tố nền tảng cùng với tăng cường công tác quản lý, giám sát và thanh lọc hoạt động thị trường mang lại sự rõ ràng, minh bạch và ổn định cho TTCK Việt Nam, từ đó thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển bền vững.

Mặt khác, tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị hiện đại hóa công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động giao dịch và thanh toán để triển khai các sản phẩm tài chính mới nằm trong số những chính sách ưu tiên hàng đầu đã tăng mạnh từ 45,7% lên 88,9%, phản ánh nhu cầu cấp bách của thị trường đối với việc cải thiện hạ tầng kỹ thuật số nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch ngày càng phức tạp và đa dạng.

2(2).jpg
Khảo sát doanh nghiệp đại chúng tháng 4-5/2023-2024. Nguồn: Vietnam Report

Đáng chú ý, top 4 chính sách cần ưu tiên chú trọng để phát triển TTCK mạnh mẽ hơn năm nay có sự góp mặt của chính sách nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường. Phát triển, tăng cường năng lực hệ thống các tổ chức trung gian thị trường là một trong các giải pháp mà Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Các tổ chức trung gian đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện giao dịch và thanh toán. Khi năng lực của các tổ chức trung gian được nâng cao, các sản phẩm tài chính mới và công cụ đầu tư phức tạp có thể được triển khai, chất lượng dịch vụ cung cấp cho nhà đầu tư cũng sẽ được cải thiện.

Thông qua đó, hiệu quả và độ tin cậy của thị trường cũng sẽ được cải thiện, giảm thiểu rủi ro và tăng cường tính ổn định của thị trường. Điều này không chỉ mở rộng cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư mà còn tăng tính cạnh tranh và sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam.

Để triển khai hiệu quả giải pháp này, đòi hỏi sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý TTCK cùng sự nỗ lực, quyết tâm đổi mới, tái cấu trúc của các tổ chức trung gian thị trường mà cụ thể là các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ.

Top 5 ngành tiềm năng có nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt

Với tỷ lệ 88,9% số doanh nghiệp lựa chọn, ngân hàng - trụ cột quan trọng của thị trường đã ghi nhận năm thứ hai liên tiếp nắm giữ vị trí số một trong số các ngành được dự báo có thể ghi nhận nhiều cổ phiếu tăng trưởng nhất. Thực tế, lợi nhuận sau thuế quý 1/2024 của 27 ngân hàng tăng 9,6%, với sự phân hóa rõ rệt về mức sinh lời giữa các ngân hàng.

3.jpg
Khảo sát doanh nghiệp đại chúng tháng 4-5/2023-2024. Nguồn: Vietnam Report

Dù trong các quý tới, ngành này cũng còn nhiều thách thức liên quan đến vấn đề nợ xấu, rủi ro từ lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn lớn và thị trường bất động sản cần thời gian để giải quyết vấn đề pháp lý còn tồn đọng, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm nay nhìn chung sẽ khả quan hơn năm 2023.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, bất động sản đã quay trở lại top những nhóm ngành tiềm năng có nhiều cổ phiếu tăng trưởng nhất theo đánh giá của các doanh nghiệp đại chúng. Dù kết quả kinh doanh quý I của ngành kém sắc, cổ phiếu của ngành vẫn được kỳ vọng vào điểm tựa từ hỗ trợ chính sách.

Tâm lý thị trường cải thiện nhờ động lực đến từ 3 Luật quan trọng (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản) đã được Quốc hội thông qua và thậm chí đang được Chính phủ đề xuất có hiệu lực sớm hơn 6 tháng từ ngày 01/7/2024, cùng các thông tư, nghị định góp phần tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp; các chính sách tín dụng dần được nới lỏng, lãi suất cho vay giảm dần thẩm thấu.

Nguồn cung và mức hấp thụ của thị trường bất động sản trong năm 2024 được kỳ vọng cải thiện so với năm 2023, khi chủ đầu tư và nhà đầu tư tự tin hơn về sự hồi phục của thị trường và các dự án hạ tầng trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện.

Đặc biệt, trọng tâm của kỳ vọng lạc quan về cổ phiếu nhóm ngành này nằm ở bất động sản khu công nghiệp với nguồn cung khu công nghiệp mới được đẩy mạnh mở khóa để đáp ứng nhu cầu tăng cao từ làn sóng FDI thứ 4 chảy vào Việt Nam trong giai đoạn 2024-2025.

Với bán lẻ, động lực chính đến từ triển vọng kinh doanh hấp dẫn và việc hưởng lợi từ nền tảng vĩ mô cải thiện. Ngành đã có tín hiệu thoát đáy với cuộc trở lại “ngoạn mục” về tăng trưởng lợi nhuận trong hai quý gần nhất.

Điển hình, lợi nhuận sau thuế quý 1/2024 của ngành bán lẻ đã tăng mạnh 367% so với cùng kỳ, lên mức cao nhất trong 6 quý. Trong những tháng tiếp theo, lợi nhuận có thể tiếp tục phục hồi từ mức nền thấp năm 2023 khi vấn đề áp lực hàng tồn kho tại dần được khắc phục và sức mua được kỳ vọng cải thiện.

Ngoài ra, top 5 ngành tiềm năng có nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất trong năm 2023 còn có sự góp mặt của ngành công nghệ thông tin với triển vọng vững chắc về nhu cầu chi tiêu công nghệ tăng lên trong xu thế chung của cả thế giới.

Đồng thời, tiềm năng cũng được đặt vào cổ phiếu ngành dầu khí trong bối cảnh giá dầu ở mức cao khi nguồn cung toàn cầu thắt chặt, cùng động lực chính từ Chuỗi dự án Lô B - Ô Môn và các dự án dầu khí lớn Lạc Đà Vàng, Cá Voi Xanh được kỳ vọng được đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt, hoạt động thăm dò và khai thác sôi động hơn sẽ củng cố triển vọng tăng trưởng của các công ty thượng nguồn.

ĐỨC HUY