Phải điều chỉnh ngay cơ chế về đấu thầu vàng

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 14:00, 23/05/2024

(BKTO) - “Cơ chế đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là đấu thầu ngược, chính vì tác nhân đấu thầu lại làm giá vàng tăng lên vì giá sàn được đặt cao hơn thị trường” - đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nhấn mạnh vấn đề này khi đề cập đến những biến động của thị trường vàng.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 23/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2024; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

83c75a22334a9314ca5b.jpg
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ. Ảnh: Đ. KHOA

Đề cập đến câu chuyện giá vàng tăng quá bất thường, tại Phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, đây là yếu tố cần lưu tâm.

“Tất nhiên giá vàng thế giới tăng thì trong nước cũng tăng, nhưng giá vàng trong nước ngày càng chênh lệch lớn với thế giới. Giá vàng tăng cao không ảnh hưởng ngay đến chỉ số giá nhưng sẽ tác động đến nhiều yếu tố, tâm lý người dân sẽ ảnh hưởng, người ta sẽ không gửi ngân hàng nữa mà chuyển sang các lĩnh vực khác như câu chuyện xếp hàng mua vàng. Tôi cho rằng rất cần thiết phải kịp thời xử lý điều hành để đưa giá vàng trong nước về ngang thế giới” - đại biểu nói.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, về dài hạn, phải sửa Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ vì chính Nghị định này đang sinh ra tác dụng ngược. Đồng thời, các giải pháp trước mắt cũng cần phải rất linh hoạt. Đại biểu cho rằng, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước thực hiện đấu thầu vàng để tăng cung nhằm giảm giá nhưng thực tế, sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng lại tăng hơn.

to2.jpg
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận. Ảnh: TIẾN THÀNH

“Tôi nhìn thấy cơ chế đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là đấu thầu ngược. Chính vì tác nhân đấu thầu lại làm giá vàng tăng lên vì giá sàn được đặt cao hơn thị trường mà giá sàn cao hơn giá thị trường thì khi người trúng thầu bán ra, người ta phải bán với giá cao hơn giá trúng thầu, đương nhiên giá vàng trong nước phải tăng lên. Như vậy, mục tiêu lúc này không phải là để giảm giá mà để thu về nhiều tiền. Nếu mục tiêu để giảm giá, liên thông giá vàng trong nước với giá vàng thế giới thì giá tham chiếu đấu giá vàng phải bằng giá vàng thế giới cộng thuế, phí cộng nhu cầu và phải đấu thầu ngược, tức là anh nào mua vàng xong phải bán sát nhất với giá tham chiếu thì sẽ thắng thầu” - đại biểu Cường nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề xuất phát hành các chứng chỉ vàng. Theo đó, người dân có thể mua vàng bao nhiêu cũng được với giá tham chiếu đưa ra và số vàng đó cứ để ở Ngân hàng Nhà nước. Khi đó người mua vàng không phải mất công giữ vàng, đồng thời cũng điều chỉnh được giá vàng trong nước về ngang với thế giới. “Phải điều chỉnh ngay cơ chế về đấu thầu vàng” - đại biểu Cường nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng bày tỏ sốt ruột khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng vẫn chưa được sửa, dù được đề cập rất nhiều lần.

Ông Thanh cũng cho biết, tới đây, dự kiến Ủy ban Kinh tế sẽ tổ chức phiên giải trình liên quan đến quản lý thị trường vàng.

to3.jpg
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên phát biểu thảo luận. Ảnh: TIẾN THÀNH

Cùng quan tâm đến vấn đề trên, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) cho rằng, một số biến động bất thường của thị trường, như thị trường vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua cho thấy có sự không ổn định, cần sớm có sự chỉ đạo, tháo gỡ, bình ổn, truyền thông làm rõ, để tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, xáo động tâm lý của người dân.

“Đối với thị trường vàng, chúng ta có thể thấy rõ đây không phải là nhu cầu thực tế của người dân mà có thể là do một số đối tượng đầu cơ, lũng đoạn thị trường để trục lợi” - bà Yên nhận định.

Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn TP. Hà Nội) khẳng định, giá vàng rất quan trọng, cần thận trọng trong công tác quản lý thị trường vàng vì khi vàng biến động ảnh hưởng nhiều đến bài toán về tỷ giá. Nếu đầu tư chạy theo vàng quốc tế thì doanh nghiệp Việt Nam “mất nhiều hơn được”, rất dễ quay lại thời kỳ “vàng hóa” nền kinh tế. Do đó, cần có đánh giá nhiều khía cạnh, có chính sách quản lý chặt chẽ thị trường vàng để giảm thiểu ảnh hưởng đến tỷ giá.

“Đây là vấn đề kỹ thuật rất sâu nhưng ở mức độ nhất định, cần trình Chính phủ những giải pháp hữu hiệu hơn để quản lý thị trường vàng, tránh chênh lệch cao giữa thị trường trong nước và thế giới” - đại biểu nói.

Đ. KHOA