Cao Bằng nâng cao hiệu quả các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI cấp tỉnh
Địa phương - Ngày đăng : 20:07, 23/05/2024
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh tại Hội nghị đánh giá và triển khai các giải pháp khắc phục hạn chế trong thực hiện các chỉ số PAR-INDEX, SIPAS, PAPI, PCI năm 2023; nâng cao hiệu quả các chỉ số năm 2024, sáng ngày 23/5.
Theo thông tin Hội nghị, năm 2023, tỉnh Cao Bằng đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo và tổ chức triển khai công tác CCHC, nâng cao hiệu quả các chỉ số PAR-INDEX, SIPAS, PAPI, PCI; kết quả các chỉ số có tăng so với năm 2022. Tuy nhiên, so với kế hoạch đề ra trong năm 2023, các chỉ số vẫn còn đạt thấp.
Để khắc phục hạn chế trong thực hiện các chỉ số PAR-INDEX, SIPAS, PAPI, PCI năm 2023 và nâng cao hiệu quả các chỉ số năm 2024, trên cơ sở các ý kiến tham luận của các đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh đề nghị: Các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân, tổ chức hiểu rõ về các nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và sự đồng thuận xã hội về thực hiện công tác CCHC tại sở, ngành, địa phương.
Kịp thời rà soát, đánh giá TTHC; kiến nghị bãi bỏ các TTHC rườm rà, chồng chéo, không phù hợp, gây khó khăn cho người dân, tổ chức; loại bỏ các quy định, điều kiện không cần thiết, không hợp lý, đảm bảo thực chất. Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, TTHC, thông qua tăng cường đối thoại, lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp.
Người đứng đầu phải kiểm tra đôn đốc cán bộ, công chức thường xuyên để xảy ra chậm trễ trong việc hẹn giải quyết thủ tục hành chính để chuyển đổi vị trí công tác; rà soát, sắp xếp các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; nghiêm túc bố trí cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm đã được phê duyệt.
Tổ chức các hội nghị đối thoại với người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư để lắng nghe, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như tạo sự gần gũi, thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp.
Thực hiện số hóa các giấy tờ, TTHC, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai, hộ tịch, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; ưu tiên nguồn lực, triển khai hiệu quả các nhóm nhiệm vụ về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai có hiệu quả các cơ sở dữ liệu nền tảng, phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nhằm khắc phục hạn chế trong công tác CCHC và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong năm 2024 và các năm tới, tạo những nhiều chuyển biến rõ nét, tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.