Đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm tại Kiểm toán nhà nước
Kiểm toán - Ngày đăng : 12:00, 23/05/2024
Sáng 23/5, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức theo vị trí việc làm tại Kiểm toán nhà nước” do Ths. Nguyễn Thị Thu Trang (Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán) và Ths. Phan Tiến Dũng (KTNN chuyên ngành Ib) đồng chủ nhiệm.
Ths. Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, cùng tham dự có các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu và Ban đề tài.
Trình bày kết quả nghiên cứu, Ths. Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, từ năm 2010, KTNN đã chú trọng đến đào tạo cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 đã nêu rõ:“Xây dựng và đổi mới chương trình, nội dung đào tạo theo từng chức danh gắn với tiêu chuẩn hóa cán bộ; gắn lý luận với thực tiễn, kết hợp trang bị kiến thức nghề nghiệp, kiến thức pháp luật và kỹ năng thực hành nhằm đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kiểm toán”.
Đến nay, Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 cũng xác định mục tiêu “… Sắp xếp, bố trí, sử dụng đội ngũ công chức, viên chức, kiểm toán viên nhà nước căn cứ vào Đề án vị trí việc làm, tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ và yêu cầu công việc thực tế…”. Chính vì vậy, đào tạo, bồi dưỡng công chức theo yêu cầu vị trí việc làm vẫn luôn là cách tiếp cận phù hợp để nâng cao năng lực cũng như hiệu quả quản lý thực thi công vụ, đánh giá hiệu quả công việc, tạo động lực để công chức không ngừng nâng cao trình độ, năng lực làm việc, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của KTNN.
Đề án vị trí việc làm của KTNN vẫn đang trong giai đoạn chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt. Điều này cho thấy trong những năm qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức theo vị trí việc làm chưa thể căn cứ trên cơ sở vị trí việc làm, khung năng lực và các bản mô tả công việc theo từng vị trí việc làm. Chính vì vậy, việc nghiên cứu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức theo vị trí việc làm tại KTNN là một yêu cầu cấp thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, đặc biệt là trong giai đoạn tới Đề án vị trí việc làm của KTNN sẽ được ban hành để kịp thời thực hiện cải cách tiền lương.
Từ nghiên cứu về yêu cầu đối với vị trí việc làm tại KTNN, cùng với thực tiễn hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức theo vị trí việc làm hiện nay, Ban đề tài đề xuất một số giải pháp đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm nhằm đáp ứng yêu cầu chuyên môn của Ngành theo từng thời kỳ; đảm bảo thiết thực, phù hợp với trình độ năng lực và thực tiễn Việt Nam.
Đề tài được kết cấu gồm 2 chương: Chương 1- Tổng quan và thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm tại KTNN; Chương 2 - Định hướng và giải pháp đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức theo vị trí việc làm tại KTNN.
Tại buổi nghiệm thu, Hội đồng nghiệm thu đánh giá kết quả nghiên cứu của Ban đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao, phù hợp với bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương gắn với vị trí việc làm, đồng thời luận giải chuyên sâu về vấn đề đào tạo bồi dưỡng theo vị trí việc làm tại KTNN.
Đề tài nghiên cứu mang tính hệ thống về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại KTNN, kinh nghiệm về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm cho các cơ quan khác. Từ đó, Ban đề tài chỉ ra những ưu, nhược điểm của hoạt động quản lý đào tạo và bồi dưỡng theo vị trí việc làm của KTNN hiện nay và tìm ra nguyên nhân, khuyến nghị những giải pháp đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm của KTNN.
Để Đề tài hoàn thiện hơn, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban đề tài bổ sung: Đặc thù, ưu điểm của việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, từ đó làm rõ tác động đến công tác đào tạo, bồi dưỡng; hệ thống hóa các văn bản, quy định về quản lý theo vị trí việc làm nói chung và của KTNN nói riêng, trong đó có các văn bản, quy định liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm của KTNN; trình bày cụ thể hơn về danh mục vị trí việc làm của KTNN để từ đó có những đề xuất, giải pháp đào tạo, bồi dưỡng cụ thể…
Hội đồng nghiệm thu thống nhất Đề tài xếp loại Khá.
Hiện nay, đội ngũ nhân lực của KTNN có 1.874 người với lực lượng nòng cốt là kiểm toán viên, chiếm khoảng 80% tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của KTNN, gồm: 62 Kiểm toán viên cao cấp, chiếm 3,5%; 639 Kiểm toán viên chính, chiếm 35,7% và 820 Kiểm toán viên, chiếm 45,8%.