“Vực dậy” và “nuôi lớn” doanh nghiệp

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 17:20, 23/05/2024

(BKTO) - Chỉ ra nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là những thách thức mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, các đại biểu Quốc hội kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp để “tiếp sức” cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
202405230951554026_dsc_8774.jpg
Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Ảnh: VPQH

Tập trung giải quyết bài toán thiếu vốn

Tại phiên thảo luận tổ sáng 22/5, các đại biểu đánh giá, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, kinh tế - xã hội nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh là những thành tựu nổi bật, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh) đánh giá, khép lại năm 2023, kinh tế nước ta tiếp tục ghi dấu ấn với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,05%, dù chưa đạt mục tiêu nhưng là mức cao so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực. Đây là kết quả từ sự vượt khó của người dân, doanh nghiệp; sự điều hành, phối hợp linh hoạt, hiệu quả, trách nhiệm của Chính phủ, Quốc hội.

241020230140-dsc_0704.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ ra, kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức của nền kinh tế có độ mở lớn, tổng cầu tiêu dùng phục hồi chậm, đan xen với thách thức mang yếu tố chủ quan từ nội tại của nền kinh tế. Khu vực doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những khó khăn về thị trường đầu ra, thiếu đơn hàng, thiếu vốn và lao động có kỹ năng. “Với tình hình này, thì việc thực hiện mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP từ 6-6,5% là vô cùng thách thức” - đại biểu nhìn nhận.

“Hiến kế” để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Như so cho rằng, trước hết, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm “vực dậy, bồi dưỡng và nuôi lớn” các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp lõi của Chiến lược an ninh lương thực, thực phẩm.

Để làm được điều này, theo đại biểu, bên cạnh những giải pháp về phát triển thị trường, tập trung đất đai, xây dựng thương hiệu, Chính phủ cần tập trung giải quyết triệt để bài toán thiếu vốn và lành mạnh hóa môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Theo đó, cần tiếp tục linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, hỗ trợ một cách thực chất, tiếp sức cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Cùng với đó, cần giảm thêm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp nội địa sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến, có đơn hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tín chỉ carbon và xây dựng nhà ở xã hội.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn Đắk Lắk) chỉ rõ, thực tiễn hiện nay, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cá nhân, các cơ sở kinh doanh khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn. Mặc dù, nhiều chính sách của Chính phủ đề ra để tháo gỡ vấn đề này nhưng tăng trưởng vẫn còn thấp. Như vậy cần có những quan tâm rất căn cơ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có điều kiện trong việc tiếp cận được các nguồn lực cũng như tiếp cận nguồn vốn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) nhận xét, các doanh nghiệp hiện nay thành lập mới tăng nhưng giải thể, phá sản, ngưng hoạt động cũng tăng cao. Thành lập mới và tái hoạt động so với số giải thể, chờ phá sản còn thấp hơn. Cùng với đó, số vốn thành lập trên một doanh nghiệp thấp đi.

Để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng bền vững, đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, chính sách tài khóa của nước ta còn dư địa nên có thể sử dụng các nguồn lực tài khóa, gói hỗ trợ thông qua các khoản thuế, phí như giảm thuế giá trị gia tăng để kích thích sản xuất, hỗ trợ nền kinh tế.

“Phải xem chính sách điều hành lãi suất của ngân hàng. Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, cần thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất nhưng hỗ trợ có mục tiêu rõ ràng” - đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) nêu quan điểm.

Cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh, tạo niềm tin cho doanh nghiệp

Cùng với tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc cần kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi, cắt giảm một cách thực chất điều kiện kinh doanh.

7c94dee38e892ed77798.jpg
Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Nguyên phát biểu thảo luận. Ảnh: Đ. KHOA

Đại biểu Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, trong bối cảnh hiện nay lại càng cần thiết phát huy hơn nữa vai trò tiên phong của các doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, cần có nhóm giải pháp để động viên tinh thần, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, lành mạnh. Bên cạnh cắt giảm thủ tục hành chính để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận tín dụng thì cần tạo đầu ra thông thoáng cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ cần thực thi thực chất hơn nữa các giải pháp về cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thậm chí phải có các giải pháp mạnh mẽ như: cải cách thủ tục hành chính; đặc biệt mong muốn Chính phủ chú trọng nâng cao chất lượng các dự thảo luật trình Quốc hội; không nên ban hành các quy định mới tạo thêm gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp và người dân.

Các giải pháp về vốn, thuế, phí chỉ mang tính thời điểm, về dài hạn, giải pháp căn cơ, then chốt vẫn phải là tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Đây mới là sự hỗ trợ ít tốn kém nhất, có tác động lan tỏa nhất”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So

Đại biểu Hoàng Văn Cường dẫn chứng, theo công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp nhìn thấy nhiều rào cản, trong đó rào cản thể chế vẫn rất lớn, 51,5% số doanh nghiệp nhận thấy các cơ quan thực thi không thực hiện các ý kiến chỉ đạo. Do vậy, đại biểu đề nghị, cần có giải pháp để tháo gỡ khó khăn về mặt thể chế cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; đề nghị Quốc hội phải có nghị quyết để tháo gỡ, trao quyền cho các cơ quan thực thi pháp luật được linh hoạt áp dụng pháp luật, thay vì cái gì cũng sợ sai.

Theo đại biểu Trần Hồng Nguyên (Đoàn Bình Thuận), thời gian qua, Chính phủ rất quan tâm đến công tác cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh; qua đó, góp phần rất lớn để tạo sự chuyển biến trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết khó khăn của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đại biểu chỉ rõ, mặc dù thủ tục đã giảm nhiều nhưng chi phí tuân thủ giảm chưa tương xứng. “Theo báo cáo thì hiện nay chi phí tuân thủ mới đạt 10%, trong khi yêu cầu của chúng ta là 20%. Đây là hạn chế Chính phủ cần quan tâm” - đại biểu Trần Hồng Nguyên nói đồng thời đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến chất lượng, tính thiết thực trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp; tránh cải cách mang tính hình thức…

Đ. KHOA