Khởi động Dự án Hành động bom mìn vì Làng Hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc
Xã hội - Ngày đăng : 21:33, 23/05/2024
Phát biểu tại Lễ khởi công Dự án, Đại tá Lê Quang Hợp - Phó Tổng Giám đốc VNMAC cho biết, mục tiêu chính của Dự án KVPVP là góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm bom mìn do chiến tranh để lại tại các khu vực xác định ưu tiên phục vụ xây dựng làng hòa bình tại 3 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi và Bình Định.
Cùng với đó là nâng cao năng lực cho các cơ quan khắc phục hậu quả bom mìn của Việt Nam; đồng thời hướng đến triển khai hiệu quả, thực thi quy định liên quan tới việc hỗ trợ nạn nhân bom mìn và người khuyết tật ở các khu vực Dự án.
Dự án KVPVP là giai đoạn tiếp theo của Dự án Việt Nam - Hàn Quốc khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (KVMAP).
Triển khai từ năm 2018-2021, Dự án KVMAP đã đạt được những kết quả tích cực trong các hoạt động khảo sát, rà phá, hỗ trợ nạn nhân, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn, quản lý thông tin và tăng cường năng lực quản lý.
Theo đó, khoảng 17.000 héc-ta đã được khảo sát và 10.000 héc-ta đã được rà phá; 450.000 người dân địa phương tại các tỉnh Quảng Bình và Bình Định được giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn; hơn 1.000 nạn nhân tai nạn bom mìn được khám sức khỏe; 174 nạn nhân, bao gồm cả trẻ em, được phẫu thuật và hỗ trợ chân tay giả.
Dự án KVPVP dự kiến kéo dài đến cuối năm 2026, theo đó sẽ có thêm 15.000 héc-ta được khảo sát và khoảng 6.000 héc-ta sẽ được rà phá.
Bên cạnh hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, Dự án cũng sẽ đóng góp cho sự phát triển của các địa phương, thông qua việc triển khai những sáng kiến mới bao gồm xây dựng các cơ sở hạ tầng chống chịu với biến đổi khí hậu và hỗ trợ nông nghiệp thích ứng với biển đổi khí hậu tại các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Chia sẻ nhân sự kiện này, ông Lee Byung Hwa - Giám đốc Quốc gia KOICA Việt Nam cho biết, KVPVP là dự án lớn nhất của KOICA trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn và hướng tới xây dựng một “làng hòa bình” bằng cách liên kết hoạt động rà phá bom mìn với hoạt động phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
“Tôi tin rằng hoạt động khắc phục hậu bom mìn không chỉ quan trọng về mặt đảm bảo an toàn mà còn có ý nghĩa hơn khi đất sau rà phá được sử dụng cho sự phát triển của địa phương” - ông Lee Byung Hwa nhấn mạnh.
Trước đó, vào ngày 22/5, UNDP cùng với KOICA, VNMAC và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã bàn giao Trạm Y tế xã thích ứng với khí hậu cho xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Đây là một trong 50 trạm y tế xã mà Dự án đang và sẽ hỗ trợ đầu tư xây dựng tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi và Bình Định. Bằng cách kết hợp các tính năng chống chịu khí hậu như: lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời, phòng chức năng khám chữa bệnh từ xa, cung cấp tủ lạnh bảo quản thuốc và vắc-xin, hộp vận chuyển vắc-xin, lắp đặt bể inox đảm bảo nước sạch dự phòng nhiễm khuẩn… các trạm y tế này sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe người dân trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt.
Cùng với trạm y tế xã, 400 ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt sẽ được xây dựng tại 3 địa phương trên, với niềm hy vọng sẽ mang lại cuộc sống ổn định hơn cho người dân nơi đây./.