Thái Nguyên khẳng định vị thế trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc
Địa phương - Ngày đăng : 16:01, 24/05/2024
Mục tiêu phát triển của cả vùng được xác định là phải đạt tốc độ nhanh, bền vững và toàn diện, từng bước thu hẹp trình độ phát triển và mức sống của người dân trong vùng với các vùng khác… Theo đó, xác định một số tỉnh có vị trí quan trọng sẽ kết nối để thúc đẩy phát triển cả vùng, trong đó tốp đầu có Thái Nguyên. Nhiệm vụ trọng tâm và đột phá trong thời kỳ quy hoạch đã chỉ rõ: Tập trung phát triển khu vực động lực, các cực tăng trưởng, các hành lang kinh tế quan trọng, các ngành kinh tế có lợi thế. Phát triển vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ, hình thành các cụm liên kết ngành, các chuỗi sản phẩm của vùng tập trung chủ yếu tại Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Hòa Bình; phát triển các cực tăng trưởng của vùng tại Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn, Phú Thọ…
Đối với không gian phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế, Quy hoạch vùng xác định xây dựng Thái Nguyên thành trung tâm luyện kim, trung tâm cơ khí, điện, điện tử có trình độ cao. Đặc biệt, tập trung phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp chế biến chè tại 6 tỉnh, trong đó Thái Nguyên đứng đầu; phát triển công nghiệp khai thác gắn với chế biến hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo môi trường đối với các loại khoáng sản quý, trong đó có vonfram lớn nhất tại Thái Nguyên. Trong Quy hoạch cũng khẳng định, Thái Nguyên cần tập trung phát triển cây chè gắn với chế biến và tiêu thụ. Xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm chế biến chè và phát triển vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Về phân bổ nguồn lực của vùng, Thái Nguyên giữ vị trí quan trọng trong cả phát triển các tiểu vùng, các hành lang kinh tế, các vành đai và cả các khu vực động lực phát triển. Thái Nguyên nằm ở tiểu vùng Đông Bắc, cùng với Bắc Giang sẽ xây dựng trung tâm công nghiệp, đô thị, dịch vụ, giáo dục, y tế của tiểu vùng và cả vùng, là cực tăng trưởng của tiểu vùng. Thái Nguyên nằm trong hành lang kinh tế với Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Nội, có nhiệm vụ kết nối tiểu vùng Đông Bắc với thủ đô Hà Nội, với các cảng cửa ngõ, vùng đồng bằng sông Hồng và với Trung Quốc. Thái Nguyên được xác định với vành đai đô thị - công nghiệp - dịch vụ liên kết với thủ đô Hà Nội, là động lực thúc đẩy tăng trưởng cả vùng…
Đối với phát triển hệ thống đô thị, TP. Thái Nguyên là một trong những cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của cả vùng và vùng Thủ đô. Đô thị trung tâm của tỉnh có vai trò kết nối, hỗ trợ và lan tỏa sự phát triển của vùng động lực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến vùng trung du và miền núi phía Bắc; là trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm tổng hợp về kinh tế, văn hóa và đào tạo lao động chất lượng cao của cả vùng.
Trong phát triển kết cấu hạ tầng, Thái Nguyên được xác định có lợi thế về hạ tầng thông tin, truyền thông. Quy hoạch vùng chỉ rõ, Thái Nguyên là một trong 3 địa phương được ưu tiên xây dựng trung tâm dữ liệu lớn của vùng để kết nối khai thác, sử dụng hiệu quả các nền tảng số quy mô quốc gia phục vụ cho chuyển đổi số trên địa bàn vùng. Đặc biệt, sẽ phát triển Thái Nguyên thành trung tâm chuyển đổi số của vùng, nơi có điều kiện phát triển hạ tầng khu công nghệ thông tin tập trung, phục vụ sản xuất điện, điện tử, trí tuệ nhân tạo…
Có thể thấy, vai trò không thể thiếu nếu không muốn nói là hạt nhân, kết nối quan trọng của Thái Nguyên với cả vùng trung du và miền núi phía Bắc. Điều này cũng được thể hiện rất rõ trong Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt năm 2023.