Bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác lưu trữ

Pháp luật - Ngày đăng : 19:20, 24/05/2024

(BKTO) - Đại biểu Quốc hội đề nghị có giải pháp quy định mang tính thực tiễn hơn để giải bài toán nguồn nhân lực đáp ứng cho công tác lưu trữ tại các cơ quan, đơn vị.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 24/5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).

240520240952-0524qh-6-.jpg
Các đại biểu tham dự Phiên họp. Ảnh: VPQH

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 8 chương với 65 điều, đã bám sát mục tiêu, quan điểm đề ra khi xây dựng Dự án Luật, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Lưu trữ năm 2011, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp; đồng thời, thực hiện định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ.

Về thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý quy định về thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử tối đa là 5 năm, nhưng tính từ năm tài liệu được nộp vào lưu trữ hiện hành và áp dụng thống nhất cho cả tài liệu giấy và tài liệu số.

“Việc rút ngắn thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ; đồng thời, hạn chế tình trạng thất thoát tài liệu lưu trữ vĩnh viễn và giúp bảo quản tài liệu lưu trữ tốt hơn” - Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ.

Đối với các tài liệu cần sử dụng thường xuyên do đặc thù hoạt động của các cơ quan, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định tài liệu lưu trữ của ngành quốc phòng, công an, Bộ Ngoại giao do các Bộ trực tiếp quản lý và tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của một số lĩnh vực chuyên ngành thì thực hiện theo quy định của luật chuyên ngành có liên quan nhưng phải nộp vào lưu trữ lịch sử trong thời hạn tối đa là 30 năm kể từ năm nộp vào lưu trữ hiện hành. Tài liệu chứa bí mật nhà nước chỉ được nộp vào lưu trữ lịch sử sau khi đã được giải mật.

Tại Phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 lần này.

Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (Đoàn TP. Hà Nội) nêu rõ, Dự thảo Luật quy định Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước quy định cụ thể thời hạn lưu trữ hồ sơ, tài liệu chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ.

Theo đại biểu, việc quy định “phải có ý kiến của Bộ Nội vụ” thì Bộ Nội vụ khó có thể có đủ nhân lực để nắm bắt được các đặc thù quản lý nhà nước của mỗi Bộ, ngành để cho ý kiến, trong khi cũng cần có quy định đề cao tính tự chịu trách nhiệm của các B, ngành.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh đề nghị, cần quy định theo hướng các Bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước phải ban hành quy định, sau đó gửi Bộ Nội vụ tổng hợp, theo dõi và giám sát việc thực hiện.

240520241037-0524tl-11-.jpg
Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Đề cập đến việc nguồn nhân lực lưu trữ để đáp ứng rất nhiều nhiệm vụ như Dự thảo Luật đưa ra, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho biết, qua nắm thông tin, tình hình thực tiễn và qua khảo sát, làm việc với các cơ quan, đơn vị thì rất nhiều cơ quan ở cấp tỉnh chỉ bố trí một người vừa làm văn thư vừa làm lưu trữ với chức danh thường gọi là văn thư lưu trữ. Việc chính chủ yếu là thực hiện công tác văn thư và nhiệm vụ lưu trữ gần như là bỏ ngỏ. Tài liệu lưu trữ bị tồn đọng do không có thời gian và nguồn lực để thực hiện. Tình trạng này xảy ra khá phổ biến, nhất là ở cấp xã.

Để giải quyết vấn đề, các cơ quan đã sử dụng dịch vụ chỉnh lý tài liệu, việc này dẫn đến tốn kém về kinh phí và chưa thể giải quyết hết được các tồn đọng hiện có và có thể còn có thêm nhiều hệ lụy kéo theo. Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị phải có giải pháp quy định mang tính thực tiễn hơn để giải bài toán nguồn nhân lực đáp ứng cho công tác lưu trữ tại các cơ quan, đơn vị, trong đó bao gồm cả cấp xã.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho biết, do sức ép của việc tinh giản biên chế, các cơ quan hầu như không sử dụng cán bộ làm công tác lưu trữ chuyên trách mà đa số sử dụng cán bộ kiêm nhiệm. Mặt khác, gần như không có người thi tuyển vào vị trí lưu trữ tại các cơ quan, vì vị trí này hầu như không có cơ hội phát triển, trừ ở các cơ quan chuyên trách về lưu trữ. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị nên quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ chuyên môn, đặc biệt là chế độ chính sách đối với cán bộ kiêm nhiệm làm công tác lưu trữ tại các cơ quan.

Đồng thời, nghiên cứu để quy định hợp lý chế độ ưu đãi ngành nghề, công việc đặc thù cho người làm lưu trữ kiêm nhiệm ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước...

Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến về hoạt động dịch vụ lưu trữ; chứng chỉ hành nghề lưu trữ; tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ; quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tài liệu lưu trữ tư...

Đ. KHOA